Những tác phẩm vĩ đại của Jack London

Thứ Sáu, 21/11/2014, 15:25 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - Jack London là nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tác giả Tiếng gọi nơi hoang dã (The Call of the Wild), Gót sắt (Iron Heel), Martin Eden, Tình yêu cuộc sống (Love of Life), Nanh trắng (White Fang) và hơn 50 tác phẩm khác. Các tác phẩm của ông được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau trên thế giới và cho tới nay vẫn được độc giả tìm đọc.

Jack London năm 1876 ở thành phố San Francisco, và mãi ra đi vào ngày 22/11/1916 khi mới tròn 40 tuổi.

Tuổi thơ là khoảng thời gian Jack London phải nếm trải đủ vị cay đắng của cuộc sống: 11 tuổi - giao báo, 14 tuổi làm công nhân xưởng đồ hộp, 17 tuổi làm nhân viên tuần cá, 18 tuổi gia nhập đội quân thất nghiệp tiến về thủ đô Washington đòi Chính phủ giải quyết công ăn việc làm.

Năm 1895, ông vào học Trường đại học Oakland. Đời sống sinh viên quá khó khăn nên ông phải vừa học, vừa làm gác cổng để kiếm tiền.

Ngay từ khi còn trẻ, Jack London đã kết bạn với nhiều nhân vật hoạt động xã hội, ham thích tranh luận về những chủ đề chính trị và bộc lộ năng khiếu văn học từ rất sớm. Từ thời sinh viên, ông đã cho đăng một số truyện ngắn về đề tài những người lang thang kiếm sống.


Bìa Tiếng gọi nơi hoang dã và nhà văn Jack London

Năm 1896, do mong muốn làm giàu nhanh chóng, ông đã theo chân những người tìm vàng đến vùng Krondike thuộc Canada và đã nếm đủ mùi vất vả. Tại đây, Jack London đã được nghe những kẻ tha phương kể lại những câu chuyện về đói ăn, mất của và về những con chó trung thành.

Tất cả những mẩu chuyện này đã ám ảnh Jack London và ông đã viết thành những câu chuyện danh tiếng như: Đứa con của chó sói (viết năm 1902), Răng nanh trắng (1906), Ánh sáng ban ngày cháy đỏ (1910) và đặc biệt là tác phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã (1903) đã gây được tiếng vang lớn, và từ đó Jack London đã có thể sống được bằng nghề viết truyện.

Trong kiệt tác Tiếng gọi nơi hoang dã, tác giả đã dùng đến lý thuyết “kẻ sống còn là kẻ biết thích nghi nhất, trong các điều kiện khắc nghiệt nhất, và bản năng sống còn là thứ mạnh mẽ nhất trong con người và con vật”.

Tiếng gọi nơi hoang dã còn là một minh chứng về mâu thuẫn giữa sự tàn bạo dã man của cái gọi là văn minh và sự tự do của loài vật sống sống hoang dã trong thiên nhiên. Truyện toát lên một một nhân sinh quan rõ rệt của tác giả: tình yêu đối với loài vật. Ông cho rằng, chỉ có trên cơ sở một tình yêu vô hạn đối với loài vật mới chiến thắng được những con vật, thậm chí là dữ tợn.

Truyện Tình yêu và cuộc sống đã đưa ông vào hàng ngũ những nhà văn được đông đảo quần chúng yêu mến. Câu chuyện kể về cuộc giành giật sự sống giữa một con người đơn độc với một con chó sói. Đói khát trên hoang dại mênh mông, con người quyết tâm bỏ về phía dòng sông nơi có sự sống, còn con sói cũng kiên trì lết theo hòng ăn thịt con người và chỉ có thể làm được điều đó thì nó mới có thể sống sót.

Truyện Tình yêu và cuộc sống đã giúp con người vượt qua hoàn cảnh bi thảm nhất để chiến thắng kẻ thù. Con sói đã bị giết chết và con người đã tới được dòng sông. Một câu chuyện với dung lượng nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đã được công chúng trên toàn thế giới ngưỡng mộ và được V. Lênin đặc biệt yêu thích.

Năm 1907, Jack London cho ra đời cuốn tiểu thuyết Gót sắt. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học Mỹ đề cập đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Mỹ. Đây là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng thể hiện những tư tưởng ước mơ xã hội của ông. Nhà văn đã tự đặt mình là con người sống vào thế kỷ XXVI, lúc loài người đã trải qua bốn thế kỷ đại đồng và sau khi đã đập tan cái gót sắt là sự áp bức con người.

Văn phòng ám sát là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp văn học của Jack London. Tuy nhiên, ông đã không sống được cho đến ngày hoàn thành tác phẩm. Nhà văn vô sản đầu tiên của thế giới phương tây, ngôi sao chổi rực sáng phía chân trời của thế kỷ XX, đã mãi ra đi vào ngày 22-11-1916 khi mới 40 tuổi.

Nhà văn Robert Fish đã dựa trên các ghi chú chi tiết của ông để viết nốt phần kết của câu chuyện. 47 năm sau ngày ông mất, tác phẩm mới được ra mắt độc giả Mỹ. Chẳng bao lâu sau đó, tác phẩm đã được dựng thành phim và đón nhận sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả khắp mọi nơi trên thế giới.

Thời gian cầm bút của Jack London ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn 16 năm, nhưng với sức làm việc phi thường, ông đã cho ra đời 19 cuốn tiểu thuyết, 18 cuốn bình luận và truyện ngắn, rất nhiều cuốn sách liên quan đến tự thuật và xã hội học.

TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến