Nhà văn Đặng Vương Hưng: Tiếp tục hành trình tìm kỷ vật liệt sĩ

Chủ Nhật, 19/8/2012, 10:40 (GMT+7)

(TT&VH) - Mới đây, nhà văn Đặng Vương Hưng đã sưu tầm, biên soạn và giới thiệu cuốn nhật ký mang tên Gửi lại mai sau của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an vũ trang Nguyễn Minh Sơn). Qua cuốn nhật ký này, ta thấy được những chiến sĩ Công an đã sống, chiến đấu và hi sinh như thế nào!

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân (19/8/1945-2012), TT&VH đã có tổ chức một talkshow với nhà văn Đặng Vương Hưng về cuốn sách này.

 Hồi ký một liệt sĩ đặc biệt

* Thưa nhà văn Đặng Vương Hưng, anh đã “gặp” được cuốn nhật ký Gửi lại mai sau như thế nào?

- Sau dịp kỷ niệm ngày 27/7 năm ngoái, con gái liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn đã trực tiếp liên hệ với tôi. Chị nói là gia đình có giữ bản thảo cuốn nhật ký của cha và muốn được xuất bản. Tôi mời đại diện gia đình ra Hà Nội.

Bản gốc cuốn hồi ký đã nhàu nát. Sau khi tác giả hi sinh, gia đình đã giữ nó 45 năm. Cuốn hồi kí được một người lính của quân đội Sài Gòn thu được sau một trận đánh rất ác liệt, nó được chuyển về kho tư liệu của cảnh sát ngụy ở Bình Thuận.

Sau giải phóng, cán bộ công an của ta vào tăng cường để khai thác kho tư liệu này, phát hiện cuốn nhật ký đã gửi về cho Cục Chính sách, Bộ Công an. Cục gửi về cho Công an Thanh Hóa và sau đó được gửi về gia đình và gia đình giữ cho đến nay.

Hồi ký có hơn 200 trang, chữ tác giả rất đẹp, nắn nót và rất nhiều trang bị rách không đọc được chữ nữa. Vì thế, nếu thuê nhân viên đánh máy bên ngoài, nhiều người không nhận, vì chữ không đọc được. Để đánh máy lại, cần một người có tâm và là người trong gia đình liệt sĩ. Vì thế, cháu gái nội của liệt sĩ đã đánh máy bản thảo mấy tháng liền.

Sau đó, tôi là người xác minh tư liệu. Tôi về Thanh Hóa gặp nhiều nhân chứng, dựng lại toàn bộ câu chuyện về liệt sĩ. Tác giả sinh năm 1930 tại Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. 15 tuổi ông tham gia giành chính quyền năm 1945 ở huyện. Sau đó làm thành viên của chi đội Đinh Công Tráng, đây là đơn vị đầu tiên để sau này thành lập bộ đội chủ lực của Thanh Hóa. Sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông được điều động về Đại đoàn 350 bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ và tham gia lực lượng Công an vũ trang. 



Cuốn Nhật ký Gửi lại mai sau của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn)

* Điều gì đặc biệt trong cuốn sách đã gây được ấn tượng với anh?

- Trong tủ sách mãi mãi tuổi 20 có gần 100 cuốn, tôi trực tiếp làm hơn 20 cuốn như của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc…. Những cuốn sách này, chúng tôi nói rằng tác giả là những trí thức, văn nghệ sĩ. Như anh Thạc là sinh viên toán cơ giải Văn nhất miền Bắc, chị Trâm là bác sĩ, anh Hoàng Thường Lân là họa sĩ cùng thời với họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng, hay cuốn Sống để yêu thương và dâng hiến của Hoàng Kim Giao, anh hùng phá bom từ trường, có 2 bằng Đại học. Anh hi sinh năm 26 tuổi, trở thành người trẻ nhất trong những người được tặng giải thường Hồ Chí Minh với công trình phá bom từ trường.

Họ là những văn nghệ sĩ, trí thức ra trận. Còn liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn là một ngư dân, được giác ngộ Cách mạng. Ông đi B khi đã 37 tuổi, là cán bộ của Bộ Công an, lúc đó ông đã có vợ và 3 người con. Cùng với cuộc đời ông, cuốn sách đã khái quát toàn bộ thời gian đầu của lực lượng Công an vũ trang cũng là thời gian đầu của lực lượng CAND.

* Những trang viết chân thật, không cầm được nước mắt

* Dù tác giả nhật ký là một ngư dân nhưng cuốn sách có nhiều trang thấm đẫm chất văn chương, như đoạn: “Tối ngày 29 tháng 10 năm 1966 giã gạo dưới trăng. Trăng rằm tròn vành vạnh tuốt ánh sáng xuống những dãy lúa mênh mông. Trên lá lúa bắt đầu úa vàng, những giọt sương đêm đọng lại óng ánh như chuỗi hạt cườm trên cổ người con gái vùng dân tộc”.

- Nguyễn Minh Sơn là người rất đam mê văn học, ông có viết dở dang một cuốn sách mà trong nhật ký có nhắc đến là viết về quê hương. Và ông mơ ước nếu còn sống trở về, ông sẽ viết thành tiểu thuyết.

Thể loại nhật ký là thể loại viết rất chân thật, khi viết tác giả không ý thức được sau này để in. Tôi nhớ nhiều những trang anh viết về đường hành quân. Khi bắt đầu đối diện với bom đạn, chết chóc, sốt rét, mưa rừng…Tôi xin trích một đoạn anh viết ngày 25/9/1965: “Hoàn để toàn bộ ba lô (anh phải xưng danh là Hoàn để đảm bảo khỏi lộ bí mật), súng ngắn vào trong một tấm ni-lon buộc kín lại, khẩu tiểu liên đặt lên trên cứ thế theo đoàn người bơi qua sông Bào Chấp, nước chảy xiết, nhiều người rét tái tê. Có người không bơi được đã bám vào gốc cây kêu cứu. Những đồng chí đang sốt rét cũng phải cố gắng bơi. Ra giữa dòng, nước xoáy trời lại đổ mưa, Hoàn bị dòng nước lũ cuốn xoáy, hẫng chân mất thăng bằng. Hoàn chìm theo bọc ni-lon và khẩu tiểu liên chơi vơi giữa dòng nước, phải dùng hết sức bơi ngầm dưới nước đẩy bọc ni-lon vào một bụi cây, sức Hoàn cũng kiệt, xung quanh Hoàn tiếng kêu của những đồng chí yếu, sốt ngày một nhiều.

Vác được bó ni-lon súng đạn lên người, người Hoàn tê tái không còn sức nữa, may mà Thu đã lên được trước, đứng đó chờ Hoàn. Thu giúp Hoàn thay quần áo, mang tiếp súng đạn đi thêm hai tiếng nữa, trời chạng vạng tối phải đứng đó đốt lửa sưởi hơ quần áo, lấy lại bao gạo bị ướt, nướng lại cơm nắm chiều hôm trước đã bị ngấm nước”.

Những đồng đội, gia đình ông đọc không ai cầm được nước mắt.

Nhiều đoạn anh viết cho chúng ta thấy được sự ác liệt của cuộc chiến, như đoạn viết vào cuối năm 1967 tại Phước Long (Bình Thuận): “Địch dùng chiến tranh hủy diệt nghĩa là đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Ở đây, nó đã hủy diệt đi hủy diệt lại không biết bao nhiêu lần rồi. Một chiếc thuyền đựng nước uống để dưới hầm cũng bị nhiều vết đạn, nó bắn dầy như mặt những chiếc dần sàng gạo. Một chiếc xoong nấu cháo cho trẻ nhỏ người ta đã đếm được 20 vết đạn, một chiếc lon uống nước 27 vết đạn, một chiếc mâm cơm trên 60 vết đạn, một chiếc thùng sắt nhỏ có tới 204 vết đạn. Một tấm tôn lợp nhà khoảng một mét vuông người ta không thể đếm được bao nhiêu, chỉ thấy vết đạn dày đặc”. 



Nhà văn Đặng Vương Hưng trờ chuyện với BTV Yên Khương trong Radar Văn Hóa

Hướng đến một "Tổng tập nhật ký thời chiến Việt Nam"

* Anh đã được tiếp xúc với rất nhiều bản thảo nhật ký. Từ 2004 đến nay, trong hành trình đi tìm những cuốn nhật ký viết trong thời chiến tranh, anh đã thu nhận được những gì?

- Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận tôi là nhà văn đầu tiên tổ chức sưu tầm xuất bản bộ sách những lá thư thời chiến Việt Nam.

Trước đây, tôi làm báo, viết rất nhiều mảng tư liệu và nhận thấy những bức thư ,những dòng bút tích của các nhân vật có giá trị lắm. Nhân một nhà văn Mỹ sang Việt Nam sưu tầm thư, tôi nảy ra ý tưởng tổ chức cuộc sưu tầm, không chỉ thư mà cả nhật ký. Tôi công bố ý tưởng và tổ chức cuộc vận động mời mọi người cùng tham gia. Cuộc vận động này đã khơi dậy một nhu cầu tự thân và sẵn có trong xã hội, do đó nhiều gia đình liệt sĩ và các cựu chiến binh hưởng ứng rất nồng nhiệt. Có tuần tôi nhận được hàng vạn bức thư và hàng trăm cuốn nhật ký.

Đọc những bức thư, hồi ký đó tôi thấy những người lính ra trận ai cũng có một tâm hồn. Và họ để lại một tài sản tinh thần cho thế hệ sau.

Năm 2007 tôi phối hợp với một số đồng nghiệp tổ chức cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến. Tổng cục Chính trị, Hội Cựu chiến binh và Trung ương Đoàn đã đứng ra chỉ đạo tổ chức trong 3 năm. Anh hùng Lê Mã Lương nói rằng: “Trong 3 năm ấy đã thu được hơn 1 vạn hiện vật, nếu bình thường thì Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải mất hơn 10 năm mới làm được việc đó. Có nhiều hiện vật có thể nói là vô giá”.

Nhưng những cuốn sách xuất bản chỉ là phần nhỏ thôi, những bản thảo như thế tôi còn giữ và trong các cựu chiến binh còn nhiều lắm.

* Anh sẽ tiếp tục đi tìm những kỷ vật thời chiến?

- Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện Cuộc vận động Sưu tầm giới thiệu những kỷ vật lịch sử của lực lượng CAND. Chúng tôi đang trình đề án lên Bộ Công an, được các lãnh đạo rất ủng hộ, đặc biệt là Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND. Dự tính sẽ khởi động vào tháng 10 năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Hiện chúng đang sống trong hòa bình nhưng luôn có những thế lực bên ngoài đe dọa. Những công dân trẻ bây giờ có nhiều mối quan tâm khác nhưng họ cần phải biết rằng cha ông họ đã sống như thế nào, đã cống hiến thế nào để có ngày hôm nay.

* Để "tiếp lửa" của cha ông cho người trẻ, anh còn trăn trở điều gì?

- Tôi còn rất nhiều bản thảo và hàng vạn lá thư lưu. Tôi luôn mong có một đề án, một nguồn kinh phí để có thể xuất bản những cuốn nhật ký, những trang thư này thành tác phẩm. Tiền in có thể không nhiều nhưng để một cuốn sách ra đời phải mất nhiều thời gian đi về địa phương, gặp nhiều nhân chứng. Tôi cũng hi vọng có thể xuất bản được Tổng tập nhật ký thời chiến Việt Nam, và Tổng tập những lá thư thời chiến Việt Nam để lại cho thế hệ trẻ.


Talkshow Radar Văn hóa do báo TT&VH và Truyền hình Thông tấn phối hợp thực hiện, phát sóng vào 18h30 thứ Sáu hàng tuần trên V-News. Phiên bản online xem tại địa chỉ www.thethaovanhoa.vn.


M. Cường - Y.Khương (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến