(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi Olympic khởi tranh, thống kê của một hãng truyền thông Brazil cho biết có tới 60% người dân xứ Samba phản đối việc tổ chức Olympic tại nước này. Cận ngày diễn ra lễ khai mạc, hơn 1 triệu vé xem Olympic vẫn chưa được bán hết.
Mang tinh thần bóng đá vào cổ vũ bóng bàn
Tuy nhiên, đến ngày thi đấu 4, những thống kê trên hoàn toàn vô nghĩa. Những gì người ta chứng kiến ở Rio là sự phấn khích, cuồng say của người dân nơi đây với Thế vận hội đầu tiên được tổ chức ở xứ Samba.
Những tiếng reo hò từ người hâm mộ Brazil có thể được nghe thấy ở khán đài của hầu hết các môn thi đấu, từ đấu kiếm, bóng bàn tới bơi lội hay bóng chuyền bãi biển...
Trong các sự kiện thể thao, thu hút lượng lớn người hâm mộ đã là một thành công. Sẽ càng tuyệt vời hơn cho các VĐV khi họ nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt từ trên khán đài. Tuy nhiên, bóng bàn không phải là môn như vậy. Những người chơi môn thể thao này ưa sự yên tĩnh để họ có thể tập trung, theo dõi và nghe ngóng tiếng phát ra từ cú nẩy của quả bóng. Phải như vậy, họ mới có được phản xạ chính xác. Bởi thế, tiếng ồn tạo ra trong cổ vũ bóng bàn được coi là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng.
"Chúng tôi không cần sự cổ vũ như vậy trong bóng bàn", tay vợt Galia Dvorak của Tây Ban Nha bực dọc. Cô thừa nhận đã bị sốc và mất bình tĩnh trước sự cuồng nhiệt quá khích từ người hâm mộ Brazil. Dvorak cũng đổ lỗi cho đám đông là lý do khiến cô để thua 1-11 trong set đấu đầu tiên trước đối thủ người Brazil Gui Lin.
"Ở các nước khác, như Trung Quốc, họ thường xuyên cổ vũ cho các tay vợt bóng bàn nhưng không theo kiểu như vậy. Chỉ cổ vũ là đủ rồi, không cần phải hò hét như thể đang chống lại VĐV".
Người Brazil là vậy
Nghe phát biểu của Dvorak, Anderson Monteiro - một người hâm mộ bóng bàn lâu năm - cho rằng tay vợt Tây Ban Nha quá nghiêm trọng hóa vấn đề. "Tôi nghĩ rằng bầu không khí đó tuyệt vời đấy chứ. Nó rất hay, rất Brazil", anh nói.
Alexandre Araujo, nhân viên truyền thông của tuyển bóng bàn Brazil, thì đưa ra lời giải thích. "Brazil là vậy đó. Họ luôn cảm thấy hạnh phúc, luôn vui và muốn chia sẻ niềm vui. Điều này là bình thường với họ. Giống như họ mang tinh thần bóng đá vào cổ vũ cho bóng bàn thôi".
Trong khi đó, Gustavo Tsuboi đến từ Sao Paulo, nghĩ rằng sở dĩ người Brazil cổ vũ như vậy vì họ chưa quen với cách ủng hộ cho VĐV tham gia môn bóng bàn: "Thật bất thường với cách mà họ phản ứng. Chúng tôi vốn chỉ quen với việc cổ vũ những môn thể thao của chúng tôi".
Ở ngày thi đấu 7/8 vừa qua, Caroline Kumahara của Brazil có trận đấu với đối thủ từ Luxembourg. Người hâm mộ Brazil tiếp tục tinh thần cổ vũ của họ. Trên khán đài, họ tạo nên những làn sóng, cùng ca hát và truyền đi thông điệp khuyến khích xen lẫn niềm tự hào: "Chúng tôi là người Brazil, với sự cuồng say, với tình yêu bất tận".
Khác với Dvorak, HLV Tommy Danielsson của tuyển bóng bàn Luxembourg không hề cảm thấy khó chịu: "Tôi thấy thoải mái khi chứng kiến số đông khán giả tới cổ vũ. Chúng tôi cần điều này. Mọi người nên hiểu rằng đây không phải là môn thể thao mà họ chơi trong garage để xe ở nhà".
Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa