Michael Phelps vĩ đại đã tái sinh ngoạn mục như thế nào?

Thứ Năm, 11/8/2016, 6:36 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 21 HCV Olympic, hơn gấp đôi so với bất kỳ ai trong lịch sử, và vẫn còn nhiều danh hiệu nữa có thể đang đợi Michael Phelps phía trước.

Nhưng đó không hề là hành trình thẳng thớm dễ dàng với kình ngư huyền thoại này. Chiến thắng ở nội dung 200 mét bướm tại Trung tâm thể thao dưới nước Rio của anh vào thứ Ba là một phép màu thật sự, khi một người hùng tưởng như đã mất tất cả tìm lại chính mình.

Michael Phelps ăn gì để thống trị đường đua xanh?

Michael Phelps ăn gì để thống trị đường đua xanh?

Chế độ ăn của Michael Phelps là điều mà người hâm mộ quan tâm sau khi kình ngư Mỹ giành huy chương vàng Olympic thứ 21 trong sự nghiệp thi đấu huy hoàng.


Hành trình trở thành siêu sao

Ba hồi đầu của vở kịch trường thiên Michael Phelps ở Olympic tưởng như cho thấy đó sẽ là một khúc hoan ca vô tận. Olympic 2000, một chú nhóc 15 tuổi về đích thứ 5 ở chung kết 200 mét bướm. Hồi hai là chàng trai 19 tuổi với thực đơn 10.000 calorie mỗi ngày, sải tay 2,08 mét, mắt cá chân hình thù kỳ dị và cặp phổi với dung tích gấp đôi người thường. Ở Olympic Athens 2004, anh thất bại trong “cuộc thi bơi của thế kỷ” trước kình địch người Australia Ian Thorpe, nhưng vẫn giành 6 HCV. Hồi ba, Olympic 2008, là sự xuất hiện của Siêu sao: 8 HCV, phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác.

Nhưng rồi ngay trước hồi kết lẽ ra phải như mơ ở London 2012 lại là phần 4: Đổ vỡ. Năm 2009, một bức ảnh xuất hiện trên truyền thông Mỹ cho thấy rõ người hùng của giới trẻ Mỹ đang hút cần sa. Tiếp đó là 3 tháng cấm thi đấu, những phiên tập bị bỏ ngang, và chiếc kính bơi vứt lăn lóc trong nhà kho phủ bụi. “Tôi không quan tâm”, Phelps nói khi đó. “Tôi không muốn xuống nước nữa”.

Phelps vẫn giành 6 huy chương ở London (4 là HCV), nhưng anh bị Chad le Clos, vốn là người thần tượng anh từ thời thơ ấu, đánh bại ở nội dung 200 mét bướm, và chỉ về thứ 4 ở 400 mét cá nhân hỗn hợp. Tưởng như mọi chuyện đã khép lại.

Usain Bolt và Michael Phelps, ai mới là VĐV vĩ đại nhất của Olympic?

Usain Bolt và Michael Phelps, ai mới là VĐV vĩ đại nhất của Olympic?

Có vẻ như không có nghĩa lý gì khi so sánh 2 VĐV của hai môn thể thao khác nhau, tuy nhiên, họ vẫn có những đặc điểm chung: cùng tham dự Olympic, và đều đạt được những thành tích đáng kể. Vậy, ai mới là người vĩ đại nhất của Olympic?


Trở lại ngoạn mục

Nhưng rồi cũng như Thorpe, Phelps trở lại, và như Thorpe, anh vẫn tỏa sáng vào lúc hào quang tưởng như đã tắt. Ở giải vô địch Mỹ mùa Hè 2014, Phelps không vô địch được nội dung đơn nào. Rồi khi lái xe về nhà vào tháng 9 năm đó, anh bị cảnh sát chặn lại vì chạy 84 dặm/giờ ở nơi chỉ cho phép 45 dặm/giờ. Anh phải ra tòa vì lái xe khi say xỉn, tiếp theo là 6 tháng cấm thi đấu. Rio trở nên xa vời.

“Anh ấy không còn biết phải làm gì với phần đời còn lại”, HLV lâu năm của Phelps, Bill Bowman, nói. “Một hôm tôi nói: Michael, cậu đã có rất nhiều tiền; đã nổi tiếng; có thời gian rảnh, và cậu là người đáng thương nhất mà tôi biết”.

Đó là lý do cho hồi 5 đầy kịch tính ở Brazil. Tất cả bắt đầu với 6 tuần hồi phục thể lực ở một trung tâm trị liệu tại Arizona tên Meadows. Giống như Thorpe, VĐV Olympic vĩ đại nhất của Australia (3 HCV ở Olympic Sydney và 2 nữa ở Athens), Phelps đã phát hiện ra rằng danh tiếng và tiền bạc không thể mang tới hạnh phúc, hay thậm chí là cả việc bơi lội, điều anh làm tốt nhất, nữa.

Những cuộc thi đấu và tập luyện là sự hành xác thật sự, như lời nhà vô địch Olympic 1996 người Australia Kieren Perkins: “6 tiếng một ngày cắm đầu dưới nước, đuổi theo một lằn kẻ đen”.  Thorpe sau này thừa nhận đời sống anh rất chật vật vì trầm cảm, bản thân anh nghiện rượu và từng định tự sát. “Vấn đề với tôi là tôi không tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống”, Leisel Jones, từng giành 9 huy chương Olympic cho Australia trước khi giải nghệ lúc còn rất trẻ vì trầm cảm, nói.

Phelps cố gắng sống khác đi. Anh liên lạc với người cha Fred của mình, người mà anh đã không nhìn mặt từ năm 2004. Anh cũng nối lại quan hệ với bạn đời cũ Nicole, từ bỏ tiệc tụng và những buổi chơi bời trác táng, đọc sách về việc tự mình đứng lên, và nhờ cậy tới sự giúp đỡ của Bowman, để được xuống hồ bơi lần nữa.

Bơi lội, đầu tiên là một tài năng thiên phú, rồi thành một gánh nặng, giờ đã lại là nguồn cảm hứng với Phelps. Tốc độ trở lại, và bất chấp tuổi tác cộng thêm, kinh nghiệm cùng việc giảm béo (13% ở London và chỉ 5% ở Rio) giúp Phelps là không thể ngăn cản. Sau chiến thắng hôm thứ Ba, không phải nắm đấm giơ cao, hay cuộc báo thù với Le Clos, cũng không phải việc anh chạy về ăn mừng với Nicole và mẹ anh Debbie, bên cạnh cậu con trai 15 tháng tuổi Boomer. Mà đó là nụ cười lớn nở rộng trên khuôn mặt, một cảm xúc thực thụ của Michael Phelps đã tái sinh.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến