James Joyce: Những kiệt tác thách thức dịch thuật

Thứ Sáu, 1/2/2013, 12:48 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tiểu thuyết Finnegans Wake (nhan đề rất khó dịch vì chơi chữ đa ngôn ngữ) của nhà văn người Ireland James Joyce là tác phẩm văn học lớn của thế kỷ 20 (có thể là của cả thế kỷ 21), nổi tiếng khó đọc ngay cả trong nguyên bản tiếng Anh. Trước đó kiệt tác Ulysses của ông, được coi là tiểu thuyết tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ 20, cũng rất khó dịch.

Theo AP, bản tiếng Trung của cuốn tiểu thuyết đã bán hết 8.000 bản trong lần in đầu tiên, kể từ khi ra mắt tại Trung Quốc vào ngày 25/12 năm ngoái. Cần nhấn mạnh là, thành tích này là nhờ sự trợ giúp của các biển quảng cáo cỡ lớn ngoài trời ở các thành phố đông dân ở Trung Quốc.

Đưa sách lên biển quảng cáo tấm lớn ở Trung Quốc

Nhà văn James Joyce trên bản in tiểu thuyết Ulysses

Wang Weisong, Tổng Biên tập People's Publishing House (ở Thượng Hải), nơi đã dịch và xuất bản Finnegans Wake, mới đây đã phát biểu tại một diễn đàn rằng ông không mong chờ bất cứ thành công thương mại nào từ bản dịch này. Nhưng sau khi bán hết 8.000 bản đầu tiên, công ty đã nhanh chóng tái bản để đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Phiên bản tiếng Trung Quốc cũng không dễ đọc hơn bản gốc là bao, theo AP, bởi dịch giả người Trung Quốc Dai Congrong đã khẳng định rất trung thành với nguyên tác. Nữ dịch giả đã dành ra 8 năm trời để dịch cuốn sách này. Cũng trong diễn đàn nói trên, cô thừa nhận chính mình cũng không nắm bắt được đầy đủ cuốn tiểu thuyết và đây là một công việc khó khăn.

“Nếu bản dịch dễ hiểu thì tôi đã không trung thành với bản gốc”- Dai Congrong nói.

Những năm gần đây, văn học nước ngoài đang trở nên yếu thế ở thị trường xuất bản Trung Quốc. Mặc dù vậy, thống kê của Cục Xuất bản nước này cho thấy bản dịch Finnegans Wake bán chạy thứ hai chỉ sau một cuốn tiểu sử mới về Đặng Tiểu Bình trong danh mục “Sách hay” dành cho những tác phẩm nghiêm túc, theo Shanghai News.

Finnegans Wake được quảng bá rầm rộ một cách hiếm thấy ở Trung Quốc bằng một chiến dịch treo biển quảng cáo ở các thành phố lớn. Riêng ở Thượng Hải đã có 16 biển quảng cáo. Tân Hoa Xã cho biết đây là lần đầu tiên một cuốn sách được quảng bá theo cách này ở Trung Quốc.

Mộ Dung Tuyết Thôn, một nhà văn kiêm nhà phê bình Trung Quốc, cho biết “Cuốn sách nổi tiếng vì sự khó đọc và điều đó khiến người ta tò mò, họ muốn tự mình đọc nó. Tôi chắc rằng đó là hiện tượng toàn cầu, không phải độc giả Trung Quốc đang có gu thưởng thức cao hơn”.

Tương lai của James Joyce ở Việt Nam?

Trước đây, kiệt tác Ulysses, cũng của James Joyce, tiểu thuyết tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ 20, đã được chào đón nồng nhiệt ở Trung Quốc khi bản dịch đầu tiên ra mắt giữa thập niên 90. Về bản dịch tiếng Trung Quốc của Ulysses, nhà văn Đặng Thân của Việt Nam, trong một bài viết, cho biết: “…phần chú thích lên đến con số 60.000. Đây cũng là một công trình vĩ đại”.

Biển quảng cáo cho bản dịch tiểu thuyết Finnegans Wake trên nóc một tòa nhà ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Còn Finnegans Wake được Joyce viết ở Paris trong 17 năm, đến năm 1939 mới hoàn thành và được coi là một trong những tiểu thuyết tiếng Anh khó nhất trong lịch sử.

Cuốn sách khó dịch vì đâu? Vì đa ngôn ngữ. Theo nhà văn Đặng Thân, một người Việt Nam rất am hiểu James Joyce: “Dù vất vả nhưng ở đâu trên thế giới người ta cũng đã cố gắng dịch Joyce ra ngôn ngữ của mình… Từ giữa thế kỷ 20 người ta đã cho rằng nếu Ulysses là đỉnh cao của thế kỷ 20 thì Finnegans Wake là tác phẩm của thế kỷ 21”.

Dương Tường cũng phải "bó tay"

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn TT&VH Cuối tuần, dịch giả Dương Tường đã nói điều ông tiếc nuối nhất là không còn đủ thời gian và sức lực để dịch Ulysses. Việc dịch James Joyce ra tiếng Việt dường như vẫn nằm ngoài khả năng của giới dịch thuật Việt Nam.

Đặng Thân viết trong bài James Joyce: vầng hồng từ đồng cỏ Ireland của chủ nghĩa hiện đại (nằm trong cuốn Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung): “Tác phẩm này (Finnegans Wake) từ bỏ tất cả những quy ước về xây dựng cốt truyện và nhân vật, được viết bằng một ngôn ngữ tối tăm và lập dị dựa trên những lối chơi chữ đa tầng vô cùng phức tạp”.

Riêng nhan đề Finnegans Wake đã rất khó dịch. Đặng Thân trích giải thích của nhà phê bình Hoàng Ngọc Tuấn: “Âm tố fin trong tiếng Pháp có nghĩa là “kết thúc”, còn âm tố egans là cách đọc chữ again theo giọng Ái Nhĩ Lan, trong tiếng Anh có nghĩa là “lập lại” hay “trở lại”. Chữ wake mang nhiều nghĩa: thức dậy, tái sinh, sự thức canh người chết, dấu vết còn lại sau một vật chuyển động... Tất cả điều này có thể được làm sáng tỏ bằng đoạn văn mở đầu và đoạn văn kết thúc tác phẩm”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến