(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thông báo quyết định hoãn Olympic Tokyo 2020 sang mùa hè 2021, trước phản ứng của dư luận và đại dịch Covid-19 làm rung chuyển toàn cầu.
UEFA vừa quyết định hoãn vô thời hạn Champions League và Europa League 2019-20, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn bùng phát với tốc độ cao ở châu Âu. Một quyết định được nhiều quốc gia tán đồng.
Điều nước chủ nhà và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lo sợ nhất đã đến. Nhưng nếu không hoãn, cũng chẳng mấy ai hào hứng tham gia!
Hoãn là cần thiết
“Rõ ràng hơn bao giờ hết, rằng con đường tích cực nhất là hoãn Olympic Tokyo. Chúng tôi khuyến khích IOC thực hiện tất cả các bước cần thiết, nhằm đảm bảo Thế vận hội có thể được tiến hành trong điều kiện an toàn về sức khỏe và công bằng cho tất cả các đối thủ cạnh tranh”, bà Sussane Lyons - Chủ tịch Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ - gửi thông điệp đến Chủ tịch IOC Thomas Bach.
Bà Lyons cũng gửi bức thư có chữ ký của mình lên IOC, cùng ý kiến của 1.780 VĐV thể thao Mỹ, đưa ra quan điểm của họ về sự nguy hiểm của virus corona. Thông điệp của Mỹ làm tăng thêm áp lực với IOC và chủ nhà Nhật Bản, sau phản ứng của một số cường quốc thể thao thế giới. Trước phản ứng của Mỹ, có ít nhất Canada và Australia tuyên bố không cử VĐV tham dự, trong trường hợp Olympic Tokyo vẫn được tổ chức mùa hè này.
Hôm thứ Hai vừa qua, trước áp lực từ nhiều phía, IOC và Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra thời hạn 4 tuần để quyết định về tương lai Olympic Tokyo. Về cơ bản, Chủ tịch Thomas Bach không muốn hoãn cuộc thi. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng không sẵn sàng với kịch bản này. Thủ tướng Abe rất kỳ vọng Olympic sẽ diễn ra theo đúng lịch, để chứng minh chiến thắng của con người trước đại dịch. Chỉ có điều, mức độ lây lan của virus corona vẫn tăng cao mỗi ngày.
Nhật Bản lo sợ phải hoãn Olympic. Nhưng họ nên sợ hãi trước tình hình dịch bệnh trên thế giới những ngày vừa qua. Châu Âu vẫn chưa thể kiểm soát đại dịch, khi số ca nhiễm tăng chóng mặt và tỷ lệ tử vong cao. Quan chức Mỹ thừa nhận khống chế Covid-19 thất bại. Châu Á đối diện với nguy cơ bùng phát mới, mà chính Nhật Bản cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Gần đây, tỷ lệ các ca nhiễm ở châu Phi cũng đang tăng lên.
Tác giả người Tây Ban Nha, Santiago Segurola viết: “Trong thời điểm nghiêm trọng nhất mà loài người phải gánh chịu kể từ Thế chiến II, thể thao và những chiếc huy chương của nó là thứ ít quan trọng nhất trong các vấn đề chiếm lĩnh trên khắp hành tinh”. Trước khi Thủ tướng Abe thông báo quyết định hoãn cuộc thi, Santiago Segurola cảnh báo, IOC giống như một dàn nhạc trình diễn trên con tàu Titanic huyền thoại, trong trường hợp để Olympic Tokyo diễn ra.
120 ngày trước lễ khai mạc, trước áp lực quốc tế, cùng với làn sóng biểu tình ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe có cuộc họp với Bộ trưởng Olympic Seiko Hashimoto và quyết đĩnh hoãn Thế vận hội sang mùa hè năm sau. Ông Bach cũng đồng ý với giải pháp này. Hoãn là cần thiết, và không có lựa chọn khác!
Trách nhiệm của IOC
126 năm trước, IOC thành lập và mở đầu xu thế toàn cầu hóa. IOC có trách nhiệm với thễ thao và xã hội thế giới, cũng như hướng đến tinh thần cao thượng. Sau tất cả là con người. Vì thế, trong bối cảnh virus corona đe dọa sức khỏe nhân loại, IOC phải là tác nhân lớn nhất dẫn đến quyết định hoãn Olympic 2020. Nhưng Chủ tịch Thomas Bach và các cộng sự đã không làm thế, bất chấp những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Họ đẩy trách nhiệm cho Nhật Bản, nước chủ nhà đã chi hơn 30 tỷ euro cho cuộc thi.
Trong những ngày qua, nhiều VĐV chuyên nghiệp kêu gọi hoãn Olympic để tránh đại dịch. Phó chủ tịch Juan Antonio Samaranch (Tây Ban Nha) còn tuyên bố, ông không thấy áp lức nào từ các VĐV, và chờ đợi cuộc tranh tài diễn ra đúng lịch.
Có một vấn đề mà IOC phớt lờ một cách chủ động: Nhiều môn thể thao ở Olympic 2020 còn chưa hoàn thành vòng loại, khi các khu vực chủ động hoãn vì Covid-19. Nhiều VĐV không có thời gian thi đấu. Biên giới các quốc gia đóng cửa. Chưa kể, nỗ lực phòng chống doping bị tê liệt ở hầu hết các quốc gia và các môn thể thao. Chính Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) lên tiếng về điều này, khiến có nhiều VĐV bị cách ly ít nhất hai tuần, nên không thể kiểm soát mọi việc.
Không hoãn Olympic Tokyo cũng chẳng có ai tham dự. Nhưng IOC phản ứng quá chậm với trách nhiệm của mình. Có vẻ như IOC lo sợ ảnh hưởng đến các hợp đồng tài trợ mà tổ chức này đã ký, trị giá nhiều tỷ euro.
Ngọc Huy