(Thethaovanhoa.vn) - Quy định nhà báo không được vào khu Làng VĐV trong thời gian diễn ra Thế vận hội, dù đã đăng ký ngày, là một trở ngại khiến tôi không thể tiếp cận với các thành viên đội tuyển bắn súng Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có cách để gặp gỡ được những người hùng đã mang về tấm HCV lịch sử cho thể thao Việt Nam: tới trường bắn Deorodo.
Tọa lạc ở một vùng núi khá hẻo lánh ở Deorodo, trường bắn Olympic là một nơi khá tĩnh lặng, nếu không có những tiếng tiếng súng đì đoàng bên dưới. Hôm tôi đến, đoàn Việt Nam không thi đấu, và thật ra cũng không tập luyện tại đây, nhưng HLV Nguyễn Thị Nhung và chuyên gia Park Chung-gun đều có mặt tại đây, có lẽ để tìm hiểu đối thủ, May mắn thay, tôi kịp “chộp” được vị nữ HLV đã gắn bó với thành công của Xuân Vinh những năm qua.
* Đầu tiên, xin chúc mừng chị và đội tuyển bắn súng Việt Nam đã giành được tấm HCV lịch sử. Chị có thể nói đôi điều rằng để gặt hái được thành công như thế này, bắn súng Việt Nam đã được đầu tư như thế nào?
- Thực ra thì để gặt hái tấm HCV Olympic, bắn súng đã được đầu tư rất nhiều. Trong đó, đầu tiên là về con người, thứ hai là về cơ sở vật chất, và chúng tôi rất là cảm ơn các đồng chí lãnh đạo trong thời gian qua đã có sự ủng hộ và đầu tư cho đội tuyển bắn súng Việt Nam đi tập huấn nước ngoài, có chuyên gia giỏi, cho chúng tôi có thể tham gia những giải đấu quốc tế. Qua những giải đấu và những lần tập huấn quốc tế, thì Hoàng Xuân Vinh càng ngày càng tiến bộ nhờ sự cọ xát ấy. Nhờ vậy, các VĐV đã thăng hoa và đạt thành tích kỳ diệu như thế.
* Có một thực tế là môn bắn súng đã mang về nhiều thành công cho thể thao Việt Nam, nhưng độ phổ biến thì không rộng. Chị có ý kiến gì để phổ biến hơn môn thể thao này?
- Cho đến nay, bắn súng vẫn là một trong những môn mà ít được khán giả quan tâm nhất, vì vậy đây cũng là một thiệt thòi của môn bắn súng. Nghĩ đến bắn súng, mọi người thường nghĩ dến một cái gì đấy rất là trầm lặng. Ngay cái tên “Trường bắn” đã làm cho mọi người cảm thấy khó gần gũi, rồi “súng” và “đạn” cũng khiến người ta cảm thấy nó không được sôi động như những môn thể thao khác.
Tôi chỉ mong muốn một điều rằng là sau khi bắn súng đã thành công ở đấu trường thế giới, đặc biệt là đã giành được HCV và lập kỷ lục Olympic, chúng tôi cũng chỉ có thể mong muốn tiếp tục nhận được sự đầu tư và quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước đối với môn bắn súng này cả về cơ sở vật chất.
Đây cũng sẽ là cơ sở để chúng tôi tuyển chọn được nhiều nhân tài hơn nữa. Qua thành tích của Hoàng Xuân Vinh, tôi cũng mong muốn người hâm mộ quan tâm hơn nữa, và theo dõi động viên chúng tôi trong thời gian tới, để môn bắn súng ngày càng phát triển.
“Thực sự là trái tim tôi đang nghẹt thở, tràn đầy cảm xúc. Chúng tôi đã chờ đợi giây phút này đã lâu lắm rồi, và tôi vẫn nói rằng chúng tôi sẽ làm được", HLV Nguyễn Thị Nhung xúc động nói.
* Hoàng Xuân Vinh đã giành HCV Olympcic ở tuổi 42. Phải chăng trong môn bắn súng này, tuổi tác và kinh nghiệm là một lợi thế, chứ không phải sức trẻ?
- Thật ra, chúng ta vẫn cứ nghĩ Hoàng Xuân Vinh đã lớn tuổi, nhưng môn bắn súng nó có những yếu tố đặc biệt. Với cá nhân tôi, khi làm công tác huấn luyện, thì tôi nhận thấy rằng môn bắn súng không quy định về tuổi tác.
Tại Thế vận hội này, VĐV Costa của Bồ Đào Nha còn sinh năm 1964, hơn Xuân Vinh đến 10 tuổi, mà vẫn còn đạt thành tích tốt. Tuổi 42 của Xuân Vinh cũng không phải là quá lớn, mà tôi nghĩ đây mới là độ tuổi thăng hoa cho VĐV này.
* Như vậy chúng ta có thể tiếp tục kỳ vọng vào Xuân Vinh tại Tokyo 2020?
- Đúng thế, tôi vẫn kỳ vọng, và tôi hy vọng nếu chúng ta đầu tư tốt, tiếp tục yêu nghề bắn súng và tiếp tục tin tưởng thì Vinh vẫn có thể thăng hoa ở những giải thi đấu tiếp theo.
* Cảm ơn chị, chúc chị và đội tuyển tiếp tục gặt hái nhiều thành công!
Tuấn Cương (từ Rio de Janeiro, Brazil)
Thể thao & Văn hóa