(Thethaovanhoa.vn) - “Cầu thủ xuất sắc nhất mùa”, “HLV xuất sắc nhất mùa”, “Thủ môn xuất sắc nhất mùa”… , đó là những danh hiệu vinh danh các cá nhân xuất sắc tại Premier League mà hầu như ai cũng biết tới. Nhưng ít ai biết rằng giải đấu hàng đầu nước Anh còn có một hạng mục trao giải khác để vinh danh những người làm việc trong mọi điều kiện thời tiết, để đảm bảo hàng chục trận đấu có thể diễn ra trên một sân chơi tốt nhất. Họ chính là những “groundsman” (người quản lý mặt sân).
M.U đã lọt vào Top 4 lần đầu tiên kể từ tháng Tám năm ngoái khi hạ Fulham 3-0 ngay tại Craven Cottage. Một ngày sau, niềm vui của họ nhân đôi khi đối thủ cạnh tranh Chelsea thảm bại đến 0-6 trên sân Man City.
Người cắt cỏ hay chuyên gia mặt sân?
Thoạt nhìn, công việc của “groundsman” tưởng chừng như rất đơn giản. Họ lái chiếc máy cắt cỏ, chạy vòng quanh sân đấu và rời đi khoảng vài giờ trước khi trận đấu bắt đầu. Nhưng đó là câu chuyện của gần 2 thập kỷ trước.
“Vai trò đã thay đổi rất nhiều trong 16 năm tôi theo nghề này”, John Ledwidge- groundsman của Leicester City cho biết. “Nhận thức cho rằng groundsman là ông già với đôi chân gầy gò đang đẩy một chiếc máy cắt cỏ và lăn bùn không còn tồn tại nữa”.
Nhìn quanh các trận đấu ở Ngoại hạng Anh bây giờ, tiêu chuẩn mặt sân tăng lên rất nhiều. Nó liên quan rất chặt chẽ tới khoa học. Các “groundsman” hiện tại phải xem xét mọi thứ, từ quy định về thuốc trừ sâu và phân bón đến khí hậu của khu vực nơi sân đấu tọa lạc, vốn không dễ đoán trước. Bởi vậy, “groundsman” phải là những người có kiến thức uyên bác ở nhiều lĩnh vực. Ở họ quy tụ hình ảnh của một người cắt cỏ, một kế toán hay một chuyên gia về kỹ thuật và công nghệ.
Tại sao là người Anh?
Jonathan Calderwood đến Paris vào tháng 6/2013 để làm trưởng bộ phận “Groundsman” của PSG theo lời giới thiệu của cựu HLV Liverpool, Gerard Houllier. PSG mời Calderwood nhờ danh tiếng ông tạo dựng sau 12 năm làm “groundsman” của Aston Villa. Tại Paris, ông Calderwood quản lý đội ngũ 55 nhân viên, chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng của 32 mặt sân đấu và sân tập, bao gồm cả Parc des Princes. Calderwood là trường hợp điển hình của “xuất khẩu groundsman” từ Vương quốc Anh ra các khu vực khác trên toàn thế giới.
Cũng ở Paris, Tony Stones - người đàn ông đến từ Yorkshire, đang chịu trách nhiệm đảm bảo mặt sân ở Stade de France cho ĐTQG Pháp. Tại Real Madrid, một người Anh khác là Paul Burgess đang làm công việc trưởng bộ phận “groundsman”. Tony Stones đã trải qua gần 10 năm làm việc tại Bernabeu sau khi rời Arsenal. Ông chính là một trong những người đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế nên hệ thống để đảm bảo điều kiện trồng cỏ tối ưu ở Emirates.
Từ xa xưa, người Anh đã nổi tiếng với tài làm vườn. Tuy nhiên, việc người Anh trở thành những “groundsman” danh tiếng có vẻ không quá liên quan tới tài năng của tổ tiên họ. “Sở dĩ người Anh giỏi ở công việc này là bởi họ luôn sẵn sàng nắm bắt những tiến bộ trong công nghệ. Đó chính là lý do khiến phần còn lại của thế giới chưa đuổi kịp họ”, Geoff Webb - đến từ Học viện đào tạo “groundsman” cho biết.
Nghề bạc bẽo
“Không ai muốn gặp một groundsman khi sân đấu hoàn hảo. Lúc đó, chẳng ai nhắc tới groundsman”, Richard Hayden - cố vấn cho các sân đấu tại World Cup thừa nhận. “Khi cầu thủ dính chấn thương hoặc mặt sân xấu không đảm bảo cho lối chơi HLV yêu cầu, chúng tôi sẽ bị bêu tên”.
Calderwood đồng tình: “Cả bao năm chúng tôi làm tốt công việc thì không ai biết tới. Họ chỉ biết đến trận đấu cuối cùng mà chúng tôi làm việc mà thôi”. Câu nói của Calderwood như một “lời tiên tri” với số phận của Reece Watson, trưởng bộ phận “groundsman” vừa nói lời chia tay với Arsenal sau 13 năm gắn bó.
Hơn 1 thập kỷ đảm bảo sân Emirates luôn nằm trong Top những sân đấu chất lượng nhất châu Âu nhưng khi rời đi Watson được ví là “người tạo sân khấu để Jesse Lingard tỏa sáng”. Những kẻ châm chọc dùng hình ảnh đó để chê bai trận thua của Arsenal trước M.U ở FA Cup, trận đấu cuối cùng Reece Watson làm việc tại Emirates. Điều đó đủ nói lên sự bạc bẽo của nghề đặc biệt này.
Khánh Đan