(TT&VH) - Hôm 20/9, tại khách sạn Rex TP.HCM, giải thưởng Sách hay 2012 do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và Dự án Sách hay đã tổ chức trao giải. So với năm 2011, giải thưởng lần này có nhiều sách mới in trong những năm gần đây, tuy nhiên sách cũ vẫn còn quá nhiều, nhất là trong lĩnh vực văn học.
Theo BTC giải Sách hay 2012 cho biết, sau 5 tháng làm việc nghiêm túc, với uy tín và sự công bằng, Hội đồng xét tuyển và Hội đồng trao giải đã chọn ra những cuốn sách xứng đáng nhất thuộc 8 hạng mục để trao tặng giải thưởng. Giải Sách hay 2012 đã thu hút hơn 600 người là nhân sĩ, trí thức, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, chuyên gia, bạn đọc đến tham gia...
Định hướng người đọc đến với… tinh hoa
Giải thưởng Sách hay được BTC khẳng định là một giải thưởng “dân lập” có những tiêu chí riêng của mình. Mục đích mà giải Sách hay nhắm tới là vì: “Những năm gần đây, tiến trình toàn cầu hóa đã giúp cho dòng chảy tri thức đến với mỗi quốc gia, dân tộc nhanh chóng hơn, xã hội hiện đại với sự ra đời của nhiều phương tiện nghe nhìn mới mẻ giúp cho mọi người tiếp cận với thông tin một cách dễ dàng hơn. Nhưng có một điều nghịch lý là, cũng chính trong dòng chảy thông tin cuồn cuộn ấy, những tinh hoa văn hóa, tri thức quý giá đang dần chìm lấp và bị cuốn phăng đi, còn cái ảo cái dở thì lên ngôi”.
Các tác phẩm: Tuổi thơ dữ dội, Sông Côn mùa lũ, Trăm năm cô đơn... có cần thiết nhận thêm chiếc “mề đay” mang tên Sách hay? |
Trước nỗi lo “những tinh hoa, tri thức quý giá” bị biến mất, BTC gồm một số học giả, trí thức đề ra chủ đề giải thưởng Sách hay năm nay: Sách và khai minh, nhằm góp một tiếng nói, một nỗ lực trong công cuộc “khai minh” xã hội thông qua sách. Mục đích “khai minh” này giống như thời các cụ làm công cuộc Duy Tân: “Trong một thời đại sách và tri thức ngập tràn như hiện nay, quả thật không dễ để tìm kiếm những cuốn sách hay, quảng bá những cuốn sách đó và lan tỏa những giá trị của nó đến đông đảo cộng đồng xã hội. Và càng thật không dễ để cho sách thực hiện sứ mệnh “khai minh” của mình, một sứ mệnh mà ông cha ta hàng trăm năm trước đây đã từng đúc kết chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”.
Vậy là đã rõ, Giải Sách hay nhằm vực dậy “những tinh hoa, tri thức quý giá” nằm trong sách hay để giới thiệu đến đông đảo người đọc. Khi đọc những tinh hoa này trong sách, có thể mỗi cá nhân sẽ tự thức tỉnh mình, và thông qua nhiều cá nhân được “thức tỉnh” nhờ sách hay thì cộng đồng và cả dân tộc sẽ thức tỉnh theo (?).
Tinh hoa nằm trong… sách cũ
Những cuốn sách trở thành đối tượng của giải Sách hay phải được “khai sinh” từ năm 1975 đến nay. Nếu cuốn sách in từ năm 1975 với thời gian tồn tại hơn nửa đời người, thì số phận cuốn sách đó gần như đã được công luận thừa nhận là hay hoặc sẽ bị người đọc lãng quên nếu nó dở. Nhìn lại giải thưởng Sách hay trong hai lần trao, người đọc phân vân về tính “phát hiện” của giải thưởng này. Vì ngay cả giải Nobel Văn học, đôi khi trao cho một nhân vật - tác phẩm không phải là nổi trội được trông đợi nhất, vẫn thể hiện tính “phát hiện” của mình.
Riêng lĩnh vực văn học, giải Sách hay 2011 trao cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, cả hai cuốn sách đều đã nhận các giải thưởng văn học uy tín trong và ngoài nước. Chưa kể các tác phẩm này đều đã ra mắt bạn đọc từ hàng chục năm, trước khi được giải thưởng Sách hay vinh danh. Nỗi buồn chiến tranh in lần đầu năm 1991 với tên gọi Thân phận và tình yêu, tính đến nay đã hơn 20 năm với hàng chục lần tái bản. Hay như tác phẩm Hoàng tử bé đoạt giải Sách hay 2011 được thi sĩ Bùi Giáng dịch và NXB An Tiêm ấn hành tại Sài Gòn từ năm 1973. Nhưng mãi đến năm 2005 NXB Văn nghệ mới tái bản Hoàng tử bé từ bản dịch của Bùi Giáng.
Trong lĩnh vực sách thiếu nhi và sách văn học của giải Sách hay năm nay, vẫn là những cuốn sách cũ được vinh danh, như: Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán (NXB Thuận Hóa 1987), Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác (NXB Văn học và TT Nghiên cứu Quốc học 1998), Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez từng được các dịch giả Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng chuyển ngữ (NXB Văn học 1986). Cả ba cuốn sách vừa nêu, gần như những giá trị của các tác phẩm này đã được khẳng định bằng các giải thưởng uy tín và bằng sự sàng lọc của thời gian, như cuốn Trăm năm cô đơn từng giúp tác giả đoạt giải Nobel Văn học.
Câu hỏi đặt ra là, giải Sách hay - một giải thưởng “dân lập” về lĩnh vực sách đang nhắm vào mục tiêu gì: phát hiện hay bảo tồn? Bởi nếu giải thưởng nhắm đến tính “phát hiện” các cuốn sách mới, thì cái mốc sách được in từ 1975 đến nay có thể thay bằng cái mốc ngắn hạn hơn, ví như trong 5 năm gần đây chẳng hạn. Còn nếu giải thưởng nhắm đến mục đích “bảo tồn” các “tinh hoa, tri thức quý giá” trong sách hay, thì việc trao giải cho những cuốn sách cũ là lẽ bình thường. Tuy vậy, có cần thiết gắn thêm một chiếc “mề đay” lên một cái bìa sách đã chật cứng các danh hiệu?!
Trần Hoàng Nhân