FIFA lún sâu vào 'vũng tiền bẩn'

Chủ Nhật, 13/12/2015, 18:51 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Không rõ có phải vì Mỹ thất bại trong cuộc vận động xin đăng cai World Cup 2022 hay không mà Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp nước này đã đồng loạt tấn công vào bộ máy điều hành FIFA trong suốt bảy tháng qua. Thật khó tin là những cáo buộc mà phía Mỹ đưa ra nghiêm trọng đến mức đã có một số đề nghị đóng cửa FIFA, tổ chức có số thành viên còn lớn hơn cả Liên hợp quốc.

Qủa bom đã nổ

Chỉ mới cách đây không lâu, Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, còn khăng khăng phủ nhận mọi sai trái thì đến tháng 9 vừa qua, ông cũng bị các công tố viên Thụy Sĩ tiến hành điều tra hình sự cùng với cuộc điều tra của phía Mỹ. Như nhiều người vẫn nói, đây là hệ quả tất yếu của scandal lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới sau khi nó được châm ngòi vào tháng 5/2015 cùng với cuộc đột kích vào một khách sạn sang trọng tại Thụy Sĩ và sự bắt giữ của bảy quan chức FIFA theo đề nghị từ chính quyền Mỹ.

Ở thời điểm đó, Mỹ kết tội 14 quan chức và các liên đoàn tham nhũng “tràn lan, có hệ thống và kéo dài” sau một cuộc điều tra quy mô lớn của FBI. Và đến tháng 12 này, thêm 16 quan chức khác bị kết tội sau vụ bắt giữ hai Phó Chủ tịch FIFA tại cùng khách sạn cũ ở Zurich (Thụy Sĩ). Trong số những người bị buộc tội “liên quan đến các âm mưu phạm tội với số tiền lên đến 200 triệu USD hối lộ và lại quả” có cựu Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) là Ricardo Teixeira.

Chẳng ai ngờ là quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có Qatar của FIFA lại khiến FIFA sụp đổ nhanh chóng như thế này, bất chấp việc họ đã che giấu báo cáo điều tra nội bộ do luật sư người Mỹ là Michael Garcia tiến hành vào tháng 12/2014. Cho đến khi mọi chuyện bị phanh phui, tất cả đã nhận ra rằng đằng sau World Cup là hàng tỷ USD lợi nhuận thu được từ các công ty, bản quyền truyền hình, thương mại và vì thế, những vụ bắt giữ, điều tra đã và đang diễn ra đã đặt câu hỏi về tính minh bạch, trung thực trong quá trình chọn quốc gia đăng cai World Cup, bầu cử Chủ tịch, quản lý ngân sách, trong đó có cả ngân sách dành để nâng cấp cơ sở hạ tầng bóng đá ở một số nước nghèo là thành viên của FIFA.

Như đã nói ở trên, FBI ban đầu cũng chỉ điều tra những cáo buộc không minh bạch trong cuộc bỏ phiếu chọn Nga đăng cai World Cup 2018 và Qatar đăng cai World Cup 2022, trước khi gốc rễ của vấn đề xuất hiện từ hơn 20 năm trước.

Vì thế, dù Blatter liên tục phủ nhận cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, phía Mỹ cũng đã kết tội một số đồng minh thân cận của ông, trước khi chính ông bị các công tố viên Thụy Sĩ khởi tố hình sự trong một cuộc điều tra riêng rẽ vào tháng 9 vừa qua. Tội danh dành cho Blatter là sai phạm trong quản lý bản quyền truyền hình và tham ô số tiền có liên quan đến khoản thanh toán trả cho Chủ tịch UEFA, Michel Platini.

Trước ông, chính quyền Mỹ đã kết tội 14 người với các tội gian lận, giả mạo và rửa tiền, sau khi họ có được lời khai từ một nhân chứng quan trọng là Charles "Chuck" Blazer, cựu Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbean (Concacaf).

Theo Blazer thì từ năm 2004 đến 2011:

- Ông và những người khác trong Uỷ ban điều hành FIFA đã nhận hối lộ để Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010.

-  Một trong những đồng sự của ông đã nhận hối lộ của Morocco trong cuộc vận động xin đăng cai World Cup 1998, giải đấu cuối cùng do Pháp tổ chức.

- Ông và những người khác cũng đã nhận hối lộ trong vụ bản quyền truyền hình Concacaf Gold Cup năm 1996, 1998, 2000, 2002 và 2003.

Hiện nay, các công tố viên Mỹ đang tập trung làm rõ khoản tiền 10 triệu USD hối lộ nhằm giúp Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010. Theo email mà một tờ báo Nam Phi có được, Tổng thống Nam Phi lúc đó là Thabo Mbeki và Blatter đã có thỏa thuận về World Cup 2010. Trong email này, Tổng thư ký FIFA là Jerome Valcke đã viết cho một bộ trưởng của Nam Phi để hỏi về thời điểm chuyển khoản, đồng thời cho biết cả Blatter và Mbeki đã thảo luận về vấn đề này trước đó.

Mặc dù chính quyền Nam Phi khẳng định đây là khoản thanh toán hợp pháp nhằm thúc đẩy bóng đá Caribbean, nhiều bằng chứng mà BBC thu được lại cho biết Phó chủ tịch FIFA lúc đó là Jack Warner đã sử dụng số tiền này để tiêu xài, cho vay và rửa tiền.

Những ai bị kết tội?

Ngoài Blatter, phần lớn các quan chức bị kết tội đều là những nhân vật quan trọng ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Caribbean. Một điểm chung là họ đều có quan hệ chặt chẽ với Concacaf, liên đoàn hoạt động dưới cái ô của FIFA và đảm nhận vai trò về bản quyền truyền hình, hợp đồng thương mại ở Mỹ.

Mối liên hệ này đã giải thích tại sao Jeffrey Webb, Chủ tịch Concacaf và được xem là người kế vị Blatter bị dẫn độ tới Mỹ. Người tiền nhiệm của ông, Jack Warner như đã nói ở trên, cũng bị kết tội.

Cùng trong danh sách đen với họ còn có những ông trùm của bóng đá Nam Mỹ (Conmebol), trong đó có hai cựu Chủ tịch của Conmebol là Nicolas Leoz và Eugenio Figueredo.

Hiện phía Thụy Sĩ đang cân nhắc yêu cầu dẫn độ một số quan chức mà Mỹ đưa ra. Trong số này, Warner đang tại ngoại ở Trinidad và chờ dẫn độ sang Mỹ. Leoz đã bị quản thúc ở nhà tại Paraguay. Aaron Davidson, người đứng đầu một công ty tiếp thị thể thao có chi nhánh ở Mỹ, không nhận tội gian lận, giả mạo và rửa tiền trong một phiên tòa tại New York và tạm thời được tại ngoại. Trong khi đó, bốn cá nhân khác, trong số này có Chuck Blazer, đều đã thừa nhận hành vi của mình.

Như đã nói ở trên, số tiền hối lộ, tham nhũng là rất lớn. Chỉ tính riêng bản quyền thương mại và truyền hình những giải quốc tế, phía Mỹ đã buộc tội các công ty tiếp thị thể thao của Nam Mỹ và Mỹ trả hơn 150 triệu USD để hối lộ. Và con số này chưa bao gồm những cáo buộc tham nhũng khác có thể có ở các khu vực khác.

Không phải vô cớ mà trong khi Brazil bỏ ra khoảng 4 tỷ USD để tổ chức World Cup 2014, FIFA đã đút túi hơn 2 tỷ USD từ các nhà tài trợ, bản quyền truyền hình và thương mại. Nếu World Cup 2018 và 2022 diễn ra, con số mà họ thu về còn lớn hơn thế, trong đó Qatar 2022 dự kiến có chi phí hơn 6 tỷ USD.

Tương lai nào cho FIFA và bóng đá?

Blatter hứa sẽ từ chức chủ tịch FIFA vào tháng 2/2016, bất chấp việc ông mới tái đắc cử chỉ vài ngày sau cuộc đột kích vào một khách sạn ở Zurich hồi tháng 5. Tuy nhiên, vào thời điểm scandal leo thang, cựu Tổng thư ký FIFA đã đồng ý khép lại sự nghiệp của mình và sẽ rời văn phòng ngay khi người kế vị ông được lựa chọn.

Vấn đề là liệu ông có còn cơ hội trở lại văn phòng hay không sau thời hạn 90 ngày bị đình chỉ kết thúc. Cùng với đó là Platini, người đã nhận số tiền gây tranh cãi từ Blatter vào năm 2011, tức là muộn tới 9 năm cho những việc ông làm trước đó cho Chủ tịch FIFA, sau khi Chủ tịch UEFA bị tước quyền tranh cử Chủ tịch FIFA.

Mặc dù vậy, tương lai của World Cup 2018 và 2022 giờ mới là vấn đề lớn, ngay cả khi phía Mỹ chỉ tập trung vào những vụ tham nhũng trước đó chứ không phải ở hai giải đấu này. Về cơ bản, việc tước bỏ quyền đăng cai World Cup 2018 của Nga là rất khó vì có rất ít quốc gia có đủ sân bãi, cơ sở hạ tầng và tiền bạc để tổ chức giải trong một thời gian ngắn. Nếu có, đấy sẽ là Qatar vì họ đã vướng vào những tranh cãi, cáo buộc kể từ khi giành quyền đăng cai trong nhiều năm qua.

Quốc Khánh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến