(Thethaovanhoa.vn) - Hôm Chủ nhật vừa qua tại Melbourne, Roger Federer đã làm được điều mà chưa tay vợt nam nào thực hiện được khi gia nhập Margaret Court, cùng Serena Williams và Steffi Graf trong CLB những người vô địch ít nhất 20 giải Grand Slam.
Thật khó tưởng tượng một tay vợt có thể vượt qua Federer về tầm vóc vĩ đại khi anh chinh phục danh hiệu Grand Slam thứ 20 ở tuổi 36 vào năm thứ 19 sự nghiệp thi đấu.
Màn độc diễn của Federer
Chỉ có tay vợt Ken Rosewall (Australia) từng vô địch một giải đấu lớn ở tuổi lớn hơn. Nhưng sự nghiệp của Rosewall cũng chỉ nằm gọn trong 12 Grand Slam, ít hơn cả Rafael Nadal và nhiều chiếc cúp trong số đó được thâu tóm trước khi quần vợt trở thành môn thể thao chuyên nghiệp năm 1968.
Màn trình diễn đầy chất thơ của Federer đã diễn ra vào thời điểm hoàn hảo cho ATP. Ở đó, anh là một đại sứ cho bộ môn thể thao, thi đấu dào dạt cảm xúc và tinh thần chiến thắng, thiết lập hàng tá kỷ lục, và ở tuổi thứ 37 vẫn không hề chùn bước. Nhưng sự thành công này có thể đã làm lu mờ một câu chuyện đáng nói khác của quần vợt, điều đang khiến những nhà chức trách lo lắng: Sự sụp đổ bất thường của Big Four.
Có vẻ như kỷ nguyên ấy đang dần khép lại, ngay cả khi Federer vẫn đang tiếp tục viết những câu chuyện cổ tích của riêng mình. Nadal, Djokovic, Murray đều đã ngoài 30. Và họ dường như đang dần chậm lại sau khi tận hưởng đủ mọi thành công trong sự nghiệp. Họ đang đối mặt với một thách thức lớn khi cố đuổi kịp Federer, về số danh hiệu và có lẽ, là cả tầm vóc vĩ đại ấy. Nhưng có vẻ như tất cả những gì mà chúng ta đang thấy là họ càng cố gắng thì càng khiến cho hình ảnh Federer trở nên sáng chói hơn.
Sự hồi xuân của Roger Federer từng khiến người hâm mộ Novak Djokovic đặt niềm tin vào một sự trở lại mạnh mẽ tại Australian Open năm nay. Nhưng...
Khủng hoảng của Big Four
Murray, chủ nhân của 3 Grand Slam và 2 HCV Olympic, đã phải nghỉ thi đấu sau ca phẫu thuật hông có thể đe dọa sự nghiệp hồi tháng trước. Djokovic thì phức tạp hơn. Ba năm thống trị gần như hoàn toàn của anh đã đi đến hồi kết có lẽ là ở Roland Garros 2016.
Khi đó, việc thâu tóm nốt danh hiệu Grand Slam còn thiếu trong sự nghiệp (cũng là chức vô địch thứ 12), Djokovic đã không còn động lực thi đấu. Ngoài ra, tay vợt người Serbia còn đối mặt với những vấn đề cá nhân riêng tư nên người hâm mộ đã không còn được thấy một Djokovic sôi nổi, tích cực như trước. Cộng thêm với chấn thương khuỷu tay mới gặp phải càng khiến tình hình trở nên u ám hơn. Sau khi bị Hyeon Chung đánh bại ở vòng 4 Australian Open, Djokovic chia sẻ với báo giới rằng: “Tôi không quá đau nhưng tôi nghĩ mình cần dừng trận đấu lại. Đó là cuộc sống. Tôi phải đứng lên đi tiếp thôi”.
Nadal cũng đã có một mùa giải 2017 tuyệt vời nhưng anh bắt đầu năm 2018 không mấy suôn sẻ. Những chấn thương dai dẳng đã đeo bám cả sự nghiệp của tay vợt người Tây Ban Nha dù có đôi lúc mất đi nhưng luôn có thể quay lại quấy rầy anh bất kỳ lúc nào. Và một cơn đau đã khiến Nadal phải xin rút lui ở set thứ 4 trong trận tứ kết gặp Cilic. Chấn thương cơ háng ấy không nghiêm trọng, nên Nadal chỉ phải nghỉ 2 tuần. Nhưng việc liên tiếp dính chấn thương là mối lo lớn nhất của tay vợt 31 tuổi này vì chúng làm cản trở quá trình tập luyện của anh.
Khác biệt của Federer có lẽ nằm ở đó. Rất hiếm khi trong sự nghiệp, Federer gặp những chấn thương đe dọa khả năng thi đấu như các tay vợt còn lại trong Big Four. Với phong cách thiên về kỹ thuật, Federer luôn giữ được và đảm bảo một thể lực tốt cho mỗi cuộc chiến quan trọng.
Yến Nhi