(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin, vào ngày 20/3 vừa qua, lễ khởi công đường đua Công thức 1 (F1) Vietnam Grand Prix 2020 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết Vingroup cam kết sẽ hoàn thành công việc xây dựng đường đua vào tháng 3/2020, để chặng đua F1 Hà Nội có thể khởi tranh đúng như dự kiến vào tháng 4/2020.
Phát biểu trong buổi lễ khởi công đường đua Công thức 1 (F1) Hà Nội diễn ra vào sáng ngày 20/3/2019, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết Vingroup cam kết sẽ hoàn thành công việc xây dựng đường đua vào tháng 3/2020, để chặng đua F1 Hà Nội có thể khởi tranh đúng như dự kiến vào tháng 4/2020.
Cam kết của Vingroup như thế có nghĩa là tập đoàn này chỉ có khoảng thời gian gần 1 năm để hoàn tất công trình xây dựng đường đua F1 tại Hà Nội.
Không nhiều quỹ thời gian
Thực tế là thời gian dành cho Vingroup không nhiều, bởi vào đầu tháng này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường đua F1 tại quận Nam Từ Liêm và ngay sau khi ông Chung đặt bút ký quyết định thì công tác giải phóng mặt bằng mới được gấp rút tiến hành.
Những đường đua F1 trong mơ
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính các phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mễ Trì, Phú Đô (quận Nam Từ Liêm). Đường đua có tổng diện tích hơn 88ha với các khu vực chức năng, trong đó sân vận động quốc gia Mỹ Đình, quảng trường trước sân vận động, học viện golf, Bưu điện Từ Liêm được giữ nguyên.
Theo quy hoạch, Hà Nội sử dụng một phần diện tích ở phía Nam và một phần diện tích sân đường phía trước của sân Mỹ Đình làm khu khán đài lắp ghép và đường đua phụ phục vụ đường đua chính.
Khu chức năng xây dựng mới phục vụ đường đua F1 bao gồm các đường đua, trung tâm điều hành, khán đài, khu vực chung, khu vực hỗ trợ, khu vực tổ chức sự kiện các hạng mục công trình như nhà pit building cao 3 tầng, cầu vượt qua đường đua, trung tâm phát sóng, lưu trữ, trung tâm y tế, kho, bãi đỗ xe cho các đội đua, khán đài, bãi đỗ trực thăng…
Tuyến đường đua có chiều dài hơn 5,5km, có bề rộng mặt đường từ 12m đến 15m, chủ yếu chạy trên khu vực đường hiện trạng có chiều dài khoảng 4km sẽ được cải tạo kết cấu lớp mặt đường để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đua; đoạn đường đua còn lại khoảng 1,5km sẽ được đầu tư xây dựng mới.
Thông tin từ BTC cho biết khu tổ hợp thi đấu đua xe F1 dự kiến được đặt tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, với tổng diện tích hơn 800.000 m2, có sức chứa lên tới 112.000 người.
Trong đó, khu tổ hợp pit (dành cho các đội đua và khách hạng Paddock - khách VIP) nằm sát vạch xuất phát trên đường đua, dài 300 m, có cấu trúc 3 tầng: Tầng 1 bao gồm 36 khoang phục vụ các đội đua, 4 khoang dành cho F1 và FIA. 2 tầng trên phục vụ khoảng 3.000 khách.
Thiết kế khu nhà Pit dự kiến được lấy cảm hứng từ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, kiến trúc mặt ngoài là sự kết hợp hòa quyện giữa mặt kính hiện đại và kết cấu thép mô phỏng cây tre truyền thống của Việt Nam.
Giá vé phù hợp
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất ở đường đua F1 Hà Nội là giá vé sẽ sớm được công bố. BTC cho biết sẽ công khai giá vé xem đua xe F1 tại Hà Nội vào tháng 4 năm 2019, và mức giá được hé lộ là sẽ phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của người dân Việt Nam.
Dự kiến mức vé cao nhất của F1 Hà Nội sẽ vào khoảng từ 7.000 tới 9.000USD/vé, còn mức vé thấp nhất dành cho khán giả không có chỗ ngồi sẽ vào khoảng từ 100 tới 150USD/vé.
Hiện tại, đa phần các chặng đua F1 trên thế giới đều bán 3 hạng vé xem được trong 3 ngày diễn ra cuộc đua, gồm vé tiêu chuẩn (General Admission), vé khán đài (Grandstand) và vé được ngồi khu riêng, có phục đồ ăn, uống, chỗ đỗ xe, lối đi riêng... (Hospitality).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá vé xem F1 với những đường đua được tổ chức trên phố thường không rẻ, chẳng hạn năm 2015, giá vé trọn gói xem F1 tại Singapore dao động từ 298 đến 1.288 SGD mỗi người (4,6-20 triệu đồng).
Còn nếu mua vé trước gần nửa năm cho chặng đua F1 năm sau tại Singapore thì người xem có thể được giảm giá đến 30%. Một vé General Admission ở chặng đua này nếu mua sớm sẽ được giảm từ 363 USD xuống còn 290 USD. Gói vé Hospitality đắt nhất để xem F1 tại Singapore là hơn 5.700 USD, còn loại vé rẻ nhất nếu được giảm 217 USD sẽ còn 195 USD.
Sở dĩ vé xem F1 đắt đỏ như vậy là do một chặng đua F1 thường kéo dài trong thời gian 1 tuần, trong đó các sự kiện chính chủ yếu rơi vào 3 ngày cuối, gồm cả Gala ca nhạc (thường là các ca sĩ hạng A), và ngoài chặng đua chính thì chặng đua phân hạng cũng kịch tính không kém, và nếu tính thêm cả ngày chạy thử của các đội đua thì với một vé xem F1, người mua sẽ có cả một tuần lễ bận rộn.
Có một tin không mấy lạc quan cho người hâm mộ Việt Nam là sau vài năm có mức giá ổn định, giá vé xem giải đua F1 trên thế giới lại có xu hướng gia tăng thời gian gần đây, mà chặng đua có giá vé rẻ nhất là Sepang (Malaysia, trung bình 24 USD/chỗ) thì đã đóng cửa.
Được biết, mức giá xem đua xe F1 ở Trung Quốc là 169 USD, Nga là 241 USD, trong khi giá vé chặng đua F1 đắt nhất là Monaco với 850 USD và Abu Dhabi với 632 USD.
Nếu tính tổng các chặng đua F1 trên toàn thế giới, giá vé bình dân nhất cũng đã tăng 13,4% trong giai đoạn 2016 - 2017 lên mức 161 USD. Trong khi đó, chỗ ngồi tốt nhất tại các chặng đua F1 đã tăng 5,6% lên 637 USD. Như vậy bình quân giá vé mỗi chỗ ngồi tại F1 sẽ vào khoảng 417 USD.
Những ai không có điều kiện tới theo dõi trực tiếp F1 tại đường đua có thể thỏa mãn đam mê qua màn hình TV, vì chặng đua F1 Hà Nội sẽ được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình trả tiền tại Việt Nam và giống như các chặng đua F1 khác, BTC cũng bán bản quyền truyền hình F1 ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ người hâm mộ trên toàn thế giới.
Theo quy định của giải F1, nước chủ nhà đăng cai một chặng đua F1 ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về tài chính và kỹ thuật còn phải thành lập cơ quan quản lý thể thao tốc độ quốc gia (ASN). Nếu không có cơ quan này thì nước chủ nhà vẫn chưa được cấp quyền đăng cai F1 một cách đầy đủ và toàn diện.
Hà Nội đang triển khai thành lập ban vận động và sẽ sớm tiến hành bầu ra Ban chấp hành ASN khóa đầu tiên. Sự có mặt của Chủ tịch Liên đoàn Đua xe thể thao thế giới (FIA) Jean Todt trong tháng 3 này tại Hà Nội sẽ giúp ASN của VN sớm được FIA công nhận là thành viên, và ông Todt hứa hẹn sẽ giúp ASN Việt Nam thiết lập quan hệ với các tổ chức thành viên của FIA cũng như F1 thế giới.
|
Huy Anh