(Thethaovanhoa.vn) - Vụ đánh bom và xả súng liên hoàn khiến hơn 120 người chết ở thủ đô Paris vào đêm ngày 13/11 (giờ Pháp) đã đặt một dấu hỏi lớn vào phía sau mệnh đề: Liệu nước Pháp có còn an toàn đủ để tổ chức EURO 2016?
Những kẻ đánh bom tự sát đã khiến 3 người thiệt mạng bên ngoài sân vận động Stade de France, một trong 6 địa điểm bị tấn công khủng bố ở Paris, đồng thời "giam" hàng ngàn người khác ở trong sân sau khi trận giao hữu giữa đội tuyển Pháp và đội tuyển Đức kết thúc. Bên ngoài là thảm kịch: Xả súng và đánh bom ở khắp nơi, và hơn 100 người đã ngã xuống vì khủng bố.
Lo ngại an ninh
Rất nhiều hoạt động thể thao khác tại Pháp trong những ngày tang tóc này, sẽ bị hủy bỏ. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp Noel Le Graet thừa nhận vụ khủng bố này làm dấy lên những câu hỏi đầy lo ngại xung quanh công tác tổ chức EURO 2016, giải đấu sẽ diễn ra từ 10/6 tới 10/7 tại Pháp: "Sau hôm nay, sự lo lắng rõ ràng ngày càng gia tăng".
Vụ khủng bố ở Paris đã khiến các cựu vô địch World Cup người Pháp Zidane, Vieira và Karembeu quyết định rút khỏi trận đấu từ thiện do David Beckham tổ chức để chia buồn với gia đình các nạn nhân đồng hương.
Các cầu thủ và HLV bắt đầu nhíu mày. Hậu vệ người Italy Leonardo Bonucci lo sợ: "Nó (vụ khủng bố) làm cho chúng ta phải suy nghĩ và xem điều gì sẽ xảy ra. Một mối lo ngại lớn đang bủa vây EURO. Những người có trách nhiệm cần phải đưa ra những giải pháp thích hợp". HLV tuyển Italy Antonio Conte nói thêm: "Không thể tảng lờ chuyện này. Thành thực mà nói, nỗi sợ hãi là thật, khi có quá nhiều điều đáng sợ xảy ra".
Những lo ngại về an ninh lỏng lẻo ở nước Pháp bắt đầu dấy lên sau vụ các tay súng khủng bố tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris vào tháng Giêng, khiến 17 người chết. Tháng Sáu, những kẻ khủng bố chặt đầu một người trong cuộc tấn công một nhà máy hóa chất ở Saint-Quentin-Fallaiver. Trước khi vụ khủng bố Paris xảy ra vài ngày, Pháp bắt giữ một tay súng âm mưu tấn công căn cứ hải quân ở miền Nam nước Pháp.
Sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo, Pháp đã triển khai thêm 88 nghìn sĩ quan cảnh sát trên cả nước để thắt chặt an ninh, nhưng những vụ tấn công vẫn không dừng lại. "Cảnh sát không được chuẩn bị để ứng chiến" - Eric Denece, Giám đốc trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp, cho biết: "Họ được vũ trang khá thô sơ, chỉ với súng ngắn và một số những súng máy". Sự phối hợp giữa các lực lượng an ninh đặc biệt của Pháp cũng bị đánh giá là khá lỏng lẻo.
EURO 2016 về đâu?
EURO 2016 sẽ được tổ chức ở 10 thành phố khác nhau, trong đó có 2 sân vận động ở thủ đô Paris. Trước đó, Pháp đã giành chiến thắng trong cuộc đua đăng cai giải với Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh Thụy Điển - Na Uy. Đây là lần thứ 3 nước Pháp làm chủ nhà một kỳ EURO.
Tuyển Thụy Điển đã nắm được đôi chút lợi thế sau khi đánh bại gã hàng xóm Đan Mạch 2-1 ở trận lượt đi play-off EURO 2016.
Stade de France, một trong 6 địa điểm vừa bị tấn công khủng bố, sẽ là nơi diễn ra lễ khai mạc EURO cũng như trận chung kết. Nỗi sợ hãi vẫn chưa tan, và có lẽ sẽ còn để lại ám ảnh dai dẳng.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom xả súng liên hoàn ở Paris, và nước Pháp đã được xác định là một mục tiêu ưa thích của khủng bố. Một nhân chứng đã kể lại rằng trước khi tự sát bằng quả bom quấn quanh người, những kẻ khủng bố đã hét lên rằng Tổng thống Hollande "đáng ra không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của Syria", và nước Pháp sẽ phải trả giá. Sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc cũng đốt cháy lên âm ỉ những mâu thuẫn từ chính trong lòng nước Pháp.
Hôm nay, Thế giới chắp tay cầu nguyện cho Paris, cho nước Pháp. "Kinh đô ánh sáng" cũng đã tắt đèn tháp Eiffel trong giờ phút đau thương này. Và quả bóng cũng đã phải khựng lại, trước những họng súng khủng bố vẫn đang bủa vây đất nước này.
Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa