(Thethaovanhoa,vn) - 21 năm sau khi bắn súng giúp Việt Nam đặt dấu ấn ngày tái hội nhập với khu vực thì bắn súng đi vào lịch sử là môn thể thao giúp Việt Nam lần đầu tiên giành HCV ở Olympic nhờ thành tích vĩ đại của Xuân Vinh ở nội dung súng ngắn hơi 10m tại Rio, Brazil.
Nhưng bắn súng có phải là môn thể thao dành cho người Việt và khuyến khích phát triển hay không? Không có một cuộc điều tra chính thức, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội mà facebook hay sự tương tác sau mỗi tin, bài trên các báo điện tử cho chúng ta một cơ sở để nói rằng hầu hết chúng ta không biết về bắn súng, hoặc biết nhưng không đủ để gọi là rành.
Vì không hiểu và cũng vì đặc thù của môn bắn súng nên việc từ đầu năm tới nay đã có hai giải bắn súng đỉnh cao là Cúp bắn súng QG và Giải các tay súng xuất sắc đều diễn ra ở Nhổn mà không có khả giả đến xem. Những VĐV bắn súng ở các địa phương, các đoàn cũng đến Nhổn nhưng vì không có đủ đạn nên chỉ làm quan sát viên thật khó để được tính là khán giả.
Nếu không tính hai đoàn của lực lượng vũ trang là Quân đội và Công an thì ở các giải nói trên cũng chỉ có khoảng 1/10 số tỉnh thành hiện đang có đội bắn súng, và chỉ có cả thảy hơn 100 VĐV đỉnh cao.
Tấm HCV 10m súng ngắn hơi và HCB 50m súng ngắn tự chọn nam là thành tích rất đỗi tự hào của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.Ảnh: ISSF
Chuyện bắn súng không có đạn và thiếu cả súng trong tập luyện lẫn thi đấu được nhắc tới những ngày qua như một cách tôn vinh khéo léo cho kỳ tích của Xuân Vinh thực ra cũng không phải là một điều quá ghê gớm. Nếu như biết rằng ở một nền thể thao mà ngay cả sân bóng đá tiêu chuẩn cũng không có đủ để tập thì phải đáp ứng đầy đủ cho môn thể thao đắt đỏ bậc nhất trong hệ thống các môn thể thao như bắn súng là chuyện có thể hiểu được.
Đầu tư đầy đủ cho một VĐV bắn súng với những khẩu súng hiện đại và đủ đạn để tập một năm cần từ 10 tỉ cho tới 30 tỉ đồng. Ngân sách ở một tỉnh cho phép được cấp cho một đội bóng đá chuyên nghiệp với hàng chục con người cách nay vài năm được xác định ở mức tối đa là 7 tỉ.
Thế cho nên công sức đầu tư và tài năng, ý chí cá nhân là hại yếu tố cần thiết và không thể tách rời nếu muốn có một xạ thủ đẳng cấp. Điều này lý giải tại sao Quân đội chính là lò đào tạo và nuôi dưỡng xạ thủ giàu truyền thống nhất, vì nhiều khi đạn cấp cho đội tuyển quốc gia cũng được vay từ bắn súng Quân đội. Nói cách khác Xuân Vinh may mắn là người của Quân đội để được rèn giũa không chỉ về con người kỷ luật, ý chí.
Tấm HCV Olympic lịch sử của Xuân Vinh tạo nên cảm hứng lớn, sự thật về những VĐV bắn súng tập không súng không đạn cho thấy nỗ lực và ý chí lớn nhiều xạ thủ trong đó có Xuân Vinh, nhưng nếu phải giải bài toán phân bổ ngân sách cho cả nền thể thao ở mỗi địa phương thì thật khó để quyết định cho tất cả trứng vào một giỏ bắn súng.
Trả lời phỏng vấn Truyền hình thông tấn sau khi giành HCB nội dung 50 mét súng ngắn bắn chậm, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã lên tiếng chúc mừng nhà vô địch người Hàn Quốc Jin Jong Oh.
Thể thao phát triển toàn diện về thể chất thông qua phong trào tập luyện, thi đấu để cải thiện giống nòi, cải thiện sức học tập, lao động tồn tại song song với những đầu tư cho đỉnh cao, mũi nhọn với những môn
Italy đã đoạt 3 HCV trong đó có 2 tấm của môn bắn súng và đấu kiếm để đứng trong Top 10 tính tới ngày 9/8 không có nghĩa là nền thể thao của họ phải tập trung phát triển cho hai môn trên.
Nếu có sự thay đổi mong muốn thì đầu tư cho thể thao không thể cứ đứng mãi gần đội sổ trong danh sách chi thường xuyên của ngân sách nhà nước với mức 730 tỉ đồng cho năm 2015. Hoặc có một phép màu để hoán chuyển một phần những thiệt hại từ các đại án kinh tế cho nền thể thao đang cần nhiều hơn nữa nguồn lực.
Kỳ Anh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần