(Thethaovanhoa.vn) - Kém đối thủ Om Yun Chol 4kg tổng cử, niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam tại Á vận hội năm nay chỉ có HCB. Chỉ một sai sót khi khởi động, nhưng Kim Tuấn có thể sẽ phải mang theo nỗi tiếc nuối trong suốt cuộc đời VĐV.
Sự lo lắng đã đến với các CĐV Việt Nam ngay lần cử giật đầu tiên ở mức tạ 130kg, Kim Tuấn không thành công. Điều này khiến Kim Tuấn mất đi 1 lần cử quý giá. Đến lần nâng tạ thứ hai, Kim Tuấn mới san bằng thành tích của Wu Jingbiao. Có vẻ khi đứng cùng sàn đấu với lực sĩ từng VĐTG và ASIAD người Trung Quốc, Kim Tuấn đã chuẩn bị tâm lý chưa tốt.
Nhưng lực sĩ 20 tuổi đã cho thấy sự quyết tâm khi gạt qua thất bại trước đó để thành công ở mức 134kg ở lần cử giật thứ ba. Mức tạ này của Kim Tuấn đã vượt qua đúng 1 kg so với kỷ lục ASIAD của VĐV người Trung Quốc và kém 4kg so với kỷ lục thế giới mà VĐV người Thổ Nhĩ Kỳ Multu Halil lập năm 2001.
Nhưng lúc này, thành tích của Kim Tuấn chỉ hơn VĐV Om Yun Chol có 6kg, đó là 1 bất lợi quá lớn trước khi bước vào nội dung cử đẩy, bởi đối thủ hàng đầu của Kim Tuấn đang giữ kỷ lục thế giới khi đẩy thành công mức tạ đến 169kg. Nếu tính thành tích này, Kim Tuấn sẽ là người thua cuộc.
Dự cảm xấu đó đã diễn ra khi VĐV người Triều Tiên đã liên tiếp thành công ở nội dung cử đẩy sở trường. Ở các mức 160kg, 166kg và đặc biệt là 170kg, Om Yun Chol còn phá luôn kỷ lục thế giới cử đẩy do chính mình lập nên năm ngoái với 1kg nhiều hơn. Thành tích tổng cử 298kg của Om Yun Chol còn kém kỷ lục thế giới của Multu Halil 7kg.
Trở lại với Thạch Kim Tuấn, như đã tính toán trước đó của HLV Huỳnh Hữu Chí, Kim Tuấn phải có thành tích ít nhất 138kg ở nội dung cử giật (ngang bằng kỷ lục thế giới) mới có thể tạo đà tâm lý thuận lợi để vượt qua Om Yun.
Dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng nhưng với việc thất bại ngay lần khởi động, Kim Tuấn đã đánh mất đi lợi thế lớn. VĐV người Triều Tiên vốn không mạnh ở nội dung cử giật, nhưng rất mạnh ở cử đẩy, điều đã được chứng minh sau đó. Kim Tuấn cũng lên tiếng xác nhận nguyên nhân thất bại nằm ở lần cử giật không như mong đợi đầu tiên.
Trước giờ lên đường, HLV Huỳnh Hữu Chí cho biết Kim Tuấn đã có thành tích hơn 300kg trong tập luyện và tại giải trẻ thế giới hồi tháng 6/2014, Kim Tuấn đã đạt ngưỡng 293kg, chỉ kém thành tích ở ASIAD 17 là 1kg.
Nhưng khi đó, vì đã chính thức có HCV và không muốn “lộ bài” nên HLV Huỳnh Hữu Chí không yêu cầu Kim Tuấn đẩy thêm dù còn 1 lần nâng tạ nữa. Trong khả năng của bản thân, Kim Tuấn biết mình có thể làm được nhiều hơn mức 294kg vừa qua. Nhưng HLV Hữu Chí nhận xét ông vẫn hài lòng với những gì Kim Tuấn đã thể hiện, bởi khi tập luyện, thành tích mà Tuấn làm được lúc chưa thực hiện ép cân.
Trước giờ thi đấu ở Hàn Quốc, Kim Tuấn đã phải ép đến 4kg trọng lượng cơ thể mới đủ yêu cầu 56kg. Thêm 1 yếu tố tác động đến thành tích là chuyện Kim Tuấn chỉ đến Hàn Quốc sát giờ ASIAD Games 17 khởi tranh. Có khá nhiều thứ xa lạ và bỡ ngỡ nên ảnh hưởng không nhỏ đến lực sĩ gốc Bình Thuận.
Trong năm 2014, nếu Thạch Kim Tuấn bị đối thủ “bắt bài” khi tham dự rất nhiều giải đấu để cải thiện thành tích thì Om Yun không lộ mặt nhưng đó lại là đòn hiểm để gây bất ngờ cho đối phương.
Mặc dù Tuấn được đánh giá khá toàn diện ở hạng 56kg nhưng “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”. Lực sĩ Triều Tiên năm nay 23 tuổi và sẽ là đối thủ lớn của Kim Tuấn ở mọi đấu trường.
Thất bại này là bài học vô giá cho Kim Tuấn trong sự nghiệp của mình. Dù vậy, ở tuổi 20, Kim Tuấn vẫn còn nhiều cơ hội để nỗ lực. Nếu so sánh với Multu Halil, người đã thiết lập kỷ lục thế giới cử giật và tổng cử ở tuổi 28, Kim Tuấn vẫn còn có thể cải thiện thành tích tại 2 kỳ ASIAD nữa.
Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa