Bóng đá Trung Quốc: Khủng hoảng không chỉ vì Covid-19

Thứ Hai, 16/3/2020, 8:53 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Những giải đấu bị hoãn vô thời hạn. Những CLB đua nhau phá sản. Và đội tuyển quốc gia là một nỗi hổ thẹn. Bóng đá Trung Quốc rõ ràng đang đối mặt với một mùa đông ảm đạm, mà nguyên nhân không chỉ là vì đại dịch Covid-19.

 

Ngoại hạng Anh đau đầu vì Covid-19

Ngoại hạng Anh đau đầu vì Covid-19

Liverpool có thể không được trao cúp vô địch, West Ham hay một số đội bóng khác sẽ không phải xuống hạng... Covid-19 đang làm đảo lộn toàn bộ Premier League mùa bóng này.

 

Chỉ trong vài tháng, thứ virus đó đã lây lan không kém gì… corona. Hiện tại, một CLB ở giải nhà nghề Chinese Super League đang đứng trên bờ vực phá sản, và khoảng một tá CLB ở hạng dưới đã phải giải tán vì vấn đề tài chính.

Bài học từ Thiên Tân Quyền Kiện

Tất cả các sự kiện thể thao nói chung, và bóng đá nói riêng ở Trung Quốc đều đã bị đóng băng vài tháng qua vì tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Nhưng ngay từ trước khi dịch bùng phát, đã có một số CLB phải đóng cửa, và một số khác đã phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm.

Hiện thực ấy khác xa với những mùa giải 2016 và 2017 tiêu pha vung vẩy. Thời điểm ấy, các đội bóng Super League, được sự khuyến khích của Chủ tịch Tập Cận Bình – vốn vẫn nuôi tham vọng biến Trung Quốc thành một siêu cường bóng đá – đã liên tục phá những kỷ lục về chuyển nhượng của châu Á. Thiên Tân Quyền Kiện là một điển hình của miền đất hứa, với mức lương hấp dẫn khó cưỡng đối với các cầu thủ và HLV nước ngoài.

Từng được một hãng dược phẩm truyền thống của Trung Quốc tài trợ, Thiên Tân Quyền Kiện xếp thứ ba ở giải nhà nghề năm 2017 dưới triều đại HLV Fabio Cannavaro, đội trưởng tuyển Ý vô địch thế giới năm 2006. Họ từng sở hữu những danh thủ như Axel Witsel, Alexandre Pato, và suýt mua được Diego Costa. Vậy mà tháng trước, đội bóng này – với tên gọi Thiên Tân Thiên Hải – đã phải tự rao bán mình với mức giá… 0 nhân dân tệ. Sở dĩ, Hiệp hội bóng đá Thiên Tân rao bán miễn phí CLB bởi kèm theo nó là món nợ khổng lồ đến nỗi họ không đủ tiền chiêu mộ cầu thủ nữa, và cả đội giờ chỉ còn 18 cầu thủ.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này đến từ việc tập đoàn Quyền Kiện dính vào những rắc rối về pháp lý do gian dối trong kinh doanh dược phẩm hồi đầu năm ngoái. Đội bóng được trả về cho tỉnh, với tên gọi Thiên Tân Thiên Hải. Họ suýt rớt hạng ở mùa 2019 (chỉ hơn khu vực đèn đỏ 4 điểm). Và từ cuối mùa giải trước, 13 cầu thủ đã ra đi, nhưng không một ai đến cả.

Chú thích ảnh
Hiệp hội bóng đá Thiên Tân đã phải rao bán CLB Thiên Tân Thiên Hải với giá… 0 Nhân dân tệ

Sự suy sụp khủng khiếp của Thiên Tân Quyền Kiện như một lời cảnh báo với không ít đội bóng nhà nghề Trung Quốc khá về cái gọi là bong bóng bóng đá đang tiềm ẩn, và hoàn toàn có thể bị vỡ bung bất cứ lúc nào.

Sai lầm trong cách làm bóng đá

Theo phân tích của tờ Nhật báo Trung Hoa, vấn đề của các đội bóng nhà nghề Trung Quốc chính là họ phụ thuộc quá nhiều vào tiền đầu tư của các ông chủ và không thể tạo ra doanh thu đáng kể thông qua tiếp thị hoặc tài trợ như các CLB hàng đầu châu Âu. Tờ báo này, bởi thế, đã nhận định rằng bóng đá Trung Quốc đang đứng trước một mùa đông ảm đạm.

Năm 2016, khi đưa ra Kế hoạch 50 điểm với mục tiêu đầy tham vọng để đưa Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường bóng đá vào năm 2050, có lẽ chính chủ tịch Tập Cận Bình – một fan cuồng của túc cầu giáo - cũng không ngờ rằng bóng đá Trung Quốc lại rơi vào tình trạng như thế này. Trung bình mỗi đội bóng League One và League Two (tương đương hạng 2 và hạng 3) đã lỗ 20 triệu Nhân dân tệ (2,9 triệu USD), trong năm 2018. Ít nhất 15 đội bóng thuộc ba giải đấu cao nhất của bóng đá Trung Quốc đã bị giải thể, còn Thiên Tân Thiên Hải thì vẫn chưa rõ tương lai của mình như thế nào sau khủng hoảng tài chính.

Liêu Ninh Hoành Vận (Liaoning Hongyun) đang thi đấu ở giải hạng Nhất cũng rơi vào tình trạng tương tự Thiên Tân Thiên Hải. Mới đây, đội trưởng Tang Nhất Phi đã than thở trên mạng xã hội Weibo rằng anh và các đồng đội vẫn chưa nhận được lương của cả mùa giải 2019.

Khi Quảng Đông Southern Tigers giải thể đầu tháng trước, phó tổng giám đốc Vương Thiến thừa nhận rằng có quá nhiều ông chủ CLB rút lui vì thua lỗ. “Các CLB nước ngoài phát triển như thế nào? Họ bắt đầu từ sân bóng, một HLV, và những cầu thủ trẻ. Đào tạo, phát triển cầu thủ cuối cùng sẽ mang lại lợi nhuận và từ đó, họ có thể hình thành đội một, bắt đầu từ những hạng dưới. Nhưng rất nhiều ông chủ Trung Quốc cứ nghĩ rằng chỉ việc mua một đội hạng nhất, rồi sau đó mới đầu tư vào đào tạo trẻ. Nhưng trước đội trẻ hoạt động, thì đội lớn đã không thể trụ được rồi”, ông Vương chán nản.

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) đã cố đưa ra một số biện pháp, trong đó có khống chế mức lương cũng như cân bằng cơ hội ra sân của cầu thủ nội và ngoại binh, song các CLB đều tìm cách lách luật. CFA cũng tổ chức những khóa học miễn phí cho các cầu thủ bất ngờ mất việc để họ có thể hành nghề HLV ở cấp cơ sở, nhưng những nỗ lực ấy cũng không thể đưa bóng đá Trung Quốc đi lên.

Tuấn Cương

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến