Andy Murray được phong tước Hiệp sĩ: Muray xứng đáng được gọi là Sir?

Thứ Ba, 3/1/2017, 7:9 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện Andy Murray được phong tước hiệp sĩ làm dấy lên vấn đề về nghi thức và giao thức. Và bạn không thể tìm thấy câu trả lời trong bất kỳ hướng dẫn nào khác của Liên hiệp Anh.

Ai sẽ gọi Murray là Ngài?

Đầu tiên hãy nói về giao thức. Liệu các trọng tài trên khắp thế giới có cần phải đọc tên Murray là “Ngài Andy Murray” hay không? Bạn có thể đã nghĩ rằng việc Murray lên ngôi số 1 thế giới đã là vị trí cao nhất, nhưng hãy thử ngẫm về điều này: Trong cả bảng xếp hạng ATP, một mình Murray được gọi là “Sir” (Ngài), còn tất cả những tay vợt khác là “Mr” (Ông/Anh).

Trong khi Roger Federer và một số tay vợt khác cũng đã gọi Murray là “Ngài” (tay vợt người Thụy Sĩ đã sử dụng danh xưng đó trong một cái tweet chia sẻ và chúc mừng Andy lên ngôi số 1 thế giới) thì khi nào chúng ta mới biết được cách gọi chính thức dành cho tay vợt người Scotland?

Mọi thứ đều chưa rõ ràng, đặc biệt là quần vợt chưa từng có trường hợp nào tương tự. Fred Perry không thích thể chế đó và không được gọi là “Sir” khi còn chơi bóng hay cả sau khi đã giải nghệ. Tay vợt duy nhất từng là hiệp sĩ là Norman Brookes nhưng chức vị này đến sau khi anh đã tạm biệt quần vợt. Brookes là người Úc, từng vô địch Grand Slam ngay trên sân nhà năm 1911 và giành 2 giải Wimbledon năm 1907 và 1914. Có một sự liên kết ở đây với Murray khi tay vợt số 1 thế giới sẽ đến Melbourne tháng này để lần đầu tiên nâng cao chiếc cúp Norman Brookes Challenge sau 5 lần giành ngôi á quân ở Australian Open.

Có lẽ Murray, người từng cho rằng mình vẫn còn quá trẻ để nhận phong vị hiệp sĩ, “niềm vinh hạnh lớn nhất một người có thể có được từ quốc gia của mình” có thể sẽ có quyền đề nghị những trọng tài gọi anh là “Ngài” trong một vài trường hợp. Nhưng điều quan trọng hơn là người ta sẽ chú ý hơn tới từng cử chỉ hành động của anh. Ngay cả trong mùa giải 2016 mà đã mang lại thành công chưa từng có cho Murray, người hâm mộ vẫn phải chứng kiến các đài truyền hình xin lỗi khán giả khi Murray chửi thề.

“Ngài Murray” nên cư xử thế nào?

Hãy thử tưởng tượng cảnh vị trọng tài chính đưa ra lời cảnh cáo với Murray sau một tình huống văng tục. “Cảnh cáo vì âm thanh không phù hợp, Ngài Andy Murray”. Và trong trường hợp này, “Ngài Andy Murray” có nên hét lên về hướng khán đài của mình hay là đập vợt xuống sân hay không? Có lẽ là không nên. Vậy trong những hoàn cảnh bị chỉ trích, phê phán, Murray nên làm gì? Câu trả lời là: Không gì cả. Murray sẽ phải học cách coi những điều đó là bình thường, anh phải kiềm chế cảm xúc của mình. Vì những người chỉ trích việc Murray không hành xử như một hiệp sĩ sẽ là nhóm đầu tiên tấn công anh. May là ngay từ đầu Murray đã không đòi hỏi phong vị này và cũng rất khiêm tốn về mình.

“Tôi còn quá trẻ và sẽ còn vấp váp nhiều. Tôi sẽ có lúc phạm lỗi lầm và làm những điều không đúng đắn. Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ hơn và đạt thành tích cao hơn để xứng đáng với ngôi vị này. Nhưng tôi thấy thoải mái hơn nếu chỉ là một Andy bình thường”, Murray phát biểu.

Những gì tay vợt số 1 thế giới nói đều có lý. Như trường hợp của David Beckham dù có một sự nghiệp vẻ vang nhưng đến giờ vẫn chưa chính thức được phong tước hiệp sĩ. Một phần nào đó, việc Andy Murray trở thành “Ngài” có vẻ chưa đúng thời điểm. Anh vẫn còn thời gian để cố gắng, chứng minh vị thế và bản lĩnh của mình. Hẳn là tay vợt 29 tuổi đã rất thành thật khi nói rằng anh cảm thấy hạnh phúc vui vẻ hơn nếu được là một Andy Murray chứ không phải là “Sir” Andy Murray.

Mo Farah cũng được gọi là Sir

Andy Murray không phải vận động viên duy nhất được vinh dự nhận tước hiệp sĩ đợt này. Một ngôi sao nổi tiếng khác cũng được vinh danh là VĐV điền kinh 33 tuổi Mo Farrah.

Mo Farah cũng được báo chí Anh nhắc đến nhiều trong năm 2016 với thành tích đáng nể tại Olympic 2016. VĐV điền kinh 33 tuổi gốc Somalia này đã bảo vệ thành công 2 tấm Huy chương vàng cự li dài 5.000m và 10.000m từng giành được tại Olympic London 2012 để đạt thành tích tương tự tại Olympic Rio de Janeiro, Brazil. Farah đã trở thành vận động viên người điền kinh Anh đầu tiên giành được 4 Huy chương Vàng Olympic.

VĐV còn lại được phong tước hiệp sĩ đợt này là VĐV đua ngựa khuyết tật Lee Pearson, người đã giành 11 HCV Paralympic trong sự nghiệp của mình.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến