(Thethaovanhoa.vn) - Dù không có khối tài sản tỷ đô như những tỷ phú kia, thế nhưng, Yingluck Shinawatra cũng được tính vào danh sách những người giàu lãnh đạo đất nước.
Bà Yingluck Shinawatra sinh ngày 21/6/1967, được biết đến là em gái cựu Thủ tướng Thaksin. Bà tốt nghiệp cử nhân khoa Chính trị và Quản trị công tại trường Đại học Chiang Mai năm 1988 và lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Kentucky (Mỹ) vào năm 1990.
Ngay sau đó, bà trở về Thái Lan làm quản trị viên tập sự cho công ty Shinawatra Directories của ông Thaksin. Với tài năng kinh doanh và quản trị, bà dần dần nắm nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, bao gồm ghế Chủ tịch Advanced Info, công ty kinh doanh dịch vụ điện thoại di động của Tập đoàn Shin Corp - "gã khổng lồ" viễn thông được ông Thaksin một tay gây dựng nên...
Bà là Giám đốc quản lý Công ty viễn thông AIS của gia đình Shinawatra vào năm 2002 và về sau hãng điện thoại di động lớn nhất của Thái Lan này được tổ hợp Temasek Holdings của Singapore mua lại.
Khi ra tranh cử thủ tướng, bà là Chủ tịch của công ty bất động sản SC Assets, thuộc Công ty Phát triển bất động sản Shinawatra, có trụ sở tại Bangkok, đồng thời cũng là một thành viên của Quỹ Viễn thông Thái (Thaicom Foundation) và đảm nhiệm việc quản lý tài chính cho đảng Puea Thai - đảng mới được ông Thaksin thành lập ra sau khi Đảng cũ của ông buộc phải giải thể.
Bà Yingluck Shinawatra gặp gỡ thủ tướng Đức
Cho tới trước ngày 16/5/2011, Yingluck Shinawatra chưa từng tranh cử vào bất kỳ cấp chính quyền nào ở Thái Lan, cũng không tham gia một vị trí nào trong bộ máy nhà nước. Nhưng việc bà là em gái út của ông Thaksin, đã khiến bà giành được thiện cảm đặc biệt với các cử tri và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào tháng 8/2011.
Trong thời gian làm thủ tướng, bà Yingluck tiếp tục duy trì chính sách ủng hộ dân nghèo như: Cung cấp máy tính bảng cho học sinh, cấp thẻ tín dụng và trợ giá mua gạo cho nông dân, miễn thuế cho những người mua nhà và ô tô lần đầu, tăng đáng kể mức lương tối thiểu… đồng thời làm dịu sự chống đối và lôi kéo sự ủng hộ của những người dân trung lưu, thành thị.
Cũng trong thời gian tại vị, bà đã áp dụng chương trình trợ cấp giá gạo cho nông dân Thái Lan. Theo đó, lúa gạo của nông dân được chính phủ mua cao hơn giá thị trường tới 50%. Tuy nhiên, với chương trình này, lúa gạo tồn kho chất như núi (khoảng 18 triệu tấn). Việc mua bán với giá chênh lệch thị trường quá lớn đã tạo thuận lợi cho nạn tham nhũng, thâm thủng hàng trăm tỷ baht từ ngân sách quốc gia.
Với cáo buộc trên, cộng với cáo buộc đã bổ nhiệm trái hiến pháp em trai vợ cũ của ông Thaksin làm cảnh sát trưởng, ngày 7 tháng 5 năm 2014, Tòa án Hiến pháp nhất trí bãi chức thủ tướng của bà Yingluck.
Không những vậy, trong phiên xét xử ngày 13/5/2016 vừa qua, bà Yingluck còn bị buộc bồi thường khoảng 8 tỷ USD và có nguy cơ phải ngồi tù 10 năm vì chương trình lúa gạo của mình.
Ngọc Anh
Tổng hợp