(Thethaovanhoa.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/10 công bố lập một nhóm các nhà khoa học nhằm điều tra các mầm bệnh mới và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Ngày 7/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố một sáng kiến của WHO nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022.
Nhóm trên gồm 26 chuyên gia, có nhiệm vụ đưa ra một khuôn khổ toàn cầu mới để nghiên cứu nguồn gốc các mầm bệnh mới xuất hiện có khả năng gây đại dịch.
Trên thực tế, bên cạnh đại dịch COVID-19, có một số lượng ngày càng lớn các mầm bệnh nguy cơ cao đã xuất hiện hoặc tái xuất hiện trong những năm gần đây, như virus viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), virus cúm gia cầm, virus Ebola, Marburg, Lassa...
Đầu năm nay, WHO đã thông báo kế hoạch thành lập một Nhóm Cố vấn khoa học về nguồn gốc các mầm bệnh mới (SAGO). Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Sự xuất hiện của các virus mới có thể gây bùng phát đại dịch là một thực tế của tự nhiên. SARS-CoV-2 là virus mới nhất kiểu này, nhưng sẽ không phải là virus cuối cùng như vậy". Chính vì vậy, ông Ghebreyesus nhấn mạnh: "Hiểu rõ các mầm bệnh mới từ đâu đến đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai".
Các thành viên nhóm trên được chọn từ hơn 700 đơn ứng cử và đáp ứng một loạt quy định khoa học. Danh sách nhóm này sẽ được đưa ra tham vấn công khai trong 2 tuần tới.
Trong số này có Viện trưởng Viện virus học Berlin Christian Drosten; nhà khoa học Yungui Yang thuộc Viện di truyền học Bắc Kinh; Jean-Claude Manuguerra thuộc Viện Pasteur của Pháp; Inger Damon thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Trần Quang/TTXVN