(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch của CHDCND Triều Tiên tháng 9 vừa qua không chỉ tạo ra “làn sóng gây sốc” trong ngoại giao mà còn là một trận động đất 6,3 độ richter và nhiều dư chấn kéo dài đến tháng 12.
Ngày 9/12, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo đã phát hiện hai dư chấn gần bãi thử Punggye-ri nơi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 3/9. USGS cho biết hai dư chấn này đạt mức khoảng 2,9 và 2,4 richter.
Triều Tiên khẳng định rằng vào ngày 3/9 đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Các chuyên gia bày tỏ lo ngại vụ nổ xuất phát từ quả bom nhiệt hạch có thể quá mạnh và gây bất ổn địa chất đối với khu vực núi xung quanh bãi thử Punggye-ri.
Một quan chức của USGS nhận định với hãng thông tấn Reuters (Anh): “Khi bạn có vụ thử hạt nhân lớn, nó dịch chuyển lớp vỏ Trái Đất ở khu vực này do vậy cần một khoảng thời gian để lắng xuống”.
Các nhà khoa học đánh giá rằng chuyển động của vỏ Trái Đất cũng có nhiều tương đồng với một trận động đất và nó sẽ diễn ra trong vài tuần và vài tháng sau vụ nổ.
Tiến sĩ địa chấn học Jascha Polet tại Đại học Bách khoa bang California (Mỹ) nhận định: “Các dư chấn sau vụ thử hạt nhân gây động đất 6,3 độ richter không phải là quá bất ngờ”. Theo đó, đá di chuyển, phát sinh áp lực rồi dẫn đến dư chấn cường độ nhỏ.
Nhà địa vật lý Mika McKinnon phân tích với đài BBC (Anh): “Thực tế rằng động đất bắt nguồn từ vụ nổ không thay đổi phương thức năng lượng phân bổ lại”.
Một trong những nghi ngờ hình thành sau vụ thử hạt nhân tháng 9 là sự kiện này có thể phá hỏng hệ thống đường hầm Triều Tiên xây làm điểm thử nghiệm trong những ngọn núi sát bãi thử Punggye-ri.
Nhưng bà Mika McKinnon đánh giá rằng không thể đoán được liệu toàn bộ hệ thống đường hầm có sụp đổ hay không bởi điều này thiên về vấn đề kỹ thuật hơn là khoa học.
Bãi thử Punggye-ri đặt gần núi thiêng Paektu của Triều Tiên. Vì Paektu vốn là núi lửa nên có băn khoăn rằng sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên, ngọn núi này có thể phun trào.
Lần cuối cùng núi Paektu phun trào là vào năm 1903. Tuy nhiên ý kiến nghi ngờ Paektu sẽ hoạt động trở lại đã gây ra ra tranh cãi bởi không có nhiều dữ liệu hỗ trợ giả thiết này.
Với vụ thử bom nhiệt hạch đầy bất ngờ của Triều Tiên vào sáng 3/9, hiện thách thức đến từ Bình Nhưỡng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt lớn hơn bao giờ hết và loạt phương án để Trung Quốc lựa chọn kìm hãm Triều Tiên dường như cũng đang thu hẹp lại.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức