(Thethaovanhoa.vn) - Đoạn video không rõ nét về hai người được cho là điệp viên CHDCND Triều Tiên trong một garage bụi bặm tại Ukraine đã hé lộ về nghi vấn lớn nhất hiện nay rằng liệu Bình Nhưỡng có thu thập kỹ thuật tên lửa từ Kiev hay không. Cơ quan an ninh Ukraine đã chấp nhận chuyển cho kênh CNN (Mỹ) đoạn video từ máy quay giám sát cho thấy chi tiết hoạt động của hai công dân Triều Tiên trong năm 2011.
Tiết lộ này từ phía Ukraine nhằm dập tắt các buộc rằng Triều Tiên đã học hỏi công nghệ tên lửa đạn đạo chiến lược từ các thiết kế bị đánh cắp tại Ukraine.
Dấu hỏi lớn
Nghi ngờ trên bắt nguồn từ báo cáo ngày 14/8 của các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) rằng có thể các công nghệ từ Văn phòng Thiết kế Yuzhnoye của Ukraine tại Dnipro đã được sử dụng trong các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên.
Trong tháng 7 vừa qua, Triều Tiên đã hai lần phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Phía Triều Tiên tuyên bố rằng họ có khả năng tung một đầu đạn hạt nhân cỡ lớn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Ukraine đã bác bỏ bất cứ liên quan nào tới các tên lửa tầm xa của Triều Tiên và cho rằng chính Nga mới là nước đã hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển thiết kế tên lửa. Nga đã phủ nhận thông tin cho rằng nước này giúp đỡ Triều Tiên về vũ khí.
Một nhân viên trong cơ quan an ninh của Ukraine đã tham gia vào vụ hai điệp viên Triều Tiên năm 2011 khẳng định rằng Bình Nhưỡng không thể thu được bất cứ công nghệ tên lửa nào bởi các nỗ lực gián điệp của họ đều đã bị ngăn chặn.
Theo nhân viên cơ quan an ninh Ukraine giấu tên này, năm 2011, hai người Triều Tiên đã đến Ukraine và bị trục xuất sau khi bị phát hiện cố thu thập “thiết bị tên lửa, đặc biệt cho loại không đối không”. Trong vụ việc cũng có sự xuất hiện của người Triều Tiên thứ ba nhận nhiệm vụ vận chuyển thiết bị ra khỏi Ukraine.
Bên cạnh đó, người này còn tiết lộ trong năm 2015 đã có 5 công dân Triều Tiên bị trục xuất do liên quan tới “công việc tình báo của Triều Tiên tại Ukraine”.
Ngoài hai nhân vật được cho là điệp viên Triều Tiên bị giam giữ, hiện không hề có bất kỳ công dân nào của quốc gia này có mặt trên lãnh thổ Ukraine.
Hai người được cho là điệp viên Triều Tiên bị bắt trong đoạn video ngày 27/7/2011 hiện thụ án 8 năm tù tại Zhytomyr, cách Kiev 140km về phía Tây.
Dưới đây là đoạn video phía Ukraine đồng ý công bố cho CNN:
Các nhà chức trách Ukraine đã đồng ý để phóng viên CNN được đến cơ sở giam giữ gặp gỡ hai tù nhân Triều Tiên này.
Theo CNN, tù nhân lớn tuổi hơn nói được tiếng Nga và được đặt tên trong giấy tờ trên tòa là X5. Tù nhân trẻ tuổi hơn là một chuyên gia kỹ thuật, được gọi là X32.
Ukraine cho biết đã có một số trường hợp họ ngăn chặn được nỗ lực của công dân Triều Tiên muốn tiếp cận bí mật tên lửa của nước này. Do đó, đến năm 2016 đã có lệnh cấm công dân Triều Tiên đến Ukraine.
Bị tóm tận tay
Vào ngày 27/7/2011, một camera bí mật đã được lắp đặt trong garage có các tài liệu giả để bắt gọn hai điệp viên Triều Tiên.
Các chuyên gia tên lửa Ukraine cho biết hai điệp viên Triều Tiên này đã tiếp cận họ nhiều tuần trước khi vụ bắt giữ xảy ra và họ quyết định báo cáo với cơ quan phản gián Ukraine.
Đài NHK của Nhật Bản đưa tin Triều Tiên hiện đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới.
Sau đó, Ukraine đã xác nhận được hai điệp viên Triều Tiên muốn tìm thông tin về loại tên lửa nào. Đó được tiết lộ là tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-24 Scalpel có khả năng mang 10 đầu đạn. Hệ thống tên lửa SS-24 Scalpel đã bị cấm vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước chiểu theo Hiệp định START-II giữa Nga và Mỹ. Trang GlobalSecurity.org cho biết Ukraine đã ngừng sản xuất tên lửa này trong năm 1995.
Trao đổi nhanh với phóng viên CNN, X5 xác nhận ông chỉ thú nhận một phần tội danh. Ông nói với giới chức Ukraine rằng mình là tham tán thương mại tại Đại sứ quán Triều Tiên tại Belarus. X5 khẳng định ông muốn quay trở về Triều Tiên. Trong cáo trạng tại tòa án Ukraine, X5 đã cố thuyết phục một chuyên gia tên lửa Ukraine đến Triều Tiên để giảng dạy.
X32 chưa hề thú nhận tội danh và được giam giữ ở địa điểm khác X5, người đàn ông này thường tự đóng đồ đạc để “giết thời gian”.
Theo Hà Linh/Báo Tin Tức