(Thethaovanhoa.vn) - Trong một quyết định chưa từng có tiền lệ, Ủy ban giải Nobel hòa bình Na Uy vừa thông báo chấm dứt vai trò Chủ tịch của ông Thorbjoern Jagland.
Thông báo của Ủy ban trên nói rõ sau 6 năm giữ cương vị Chủ tịch Uỷ ban Nobel Hòa bình, ông Jagland sẽ được thay thế bằng cấp phó là ông Kaci Kullman Five. Thông báo không giải thích lý do giáng chức đồng thời nêu rõ ông Thorbjoern Jagland tiếp tục làm thành viên ủy ban này.
Trong khi đó, ông Kullman Five cho biết đã có có sự nhất trí cao trong Ủy ban rằng ông Jagland "là một Chủ tịch tốt trong 6 năm". Tuy nhiên, ông Kullman Five cũng không bình luận về nội dung các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề này.
Theo hãng tin AFP của Pháp, nhà ngoại giao nổi tiếng đồng thời là cựu Thủ tướng Na Uy Jagland bị chỉ trích gay gắt sau quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2009 khi ông Obama mới lên cầm quyền chưa đầy 9 tháng và thời điểm đó, Mỹ cũng đang tiến hành hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.
Ông Jagland khẳng định tổ chức do ông đứng đầu muốn ca ngợi ông Obama đã "sớm nhắc đến một thế giới phi vũ khí hạt nhân, nắm bắt được tinh thần của các thời đại và nhu cầu của kỷ nguyên hiện nay". Tuy nhiên, một nghiên cứu của Mỹ trong năm ngoái ước tính quốc gia này sẽ chi một nghìn tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình trong 3 thập kỷ tới.
Trong khi đó theo BBC, việc trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba cũng gây nên tranh cãi. Trung Quốc đã phản ứng với quyết định này, thậm chí còn đóng băng quan hệ ngoại giao cấp cao với Na Uy.
Khi đó, Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi, đã bị một tòa án ở Bắc Kinh kết án 11 năm tù giam vào năm 2009 vì tội âm mưu lật đổ Chính phủ Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nêu rõ phản ứng: "Việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba là bôi nhọ giải thưởng này và có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy".
P.V