(Thethaovanhoa.vn) - Trong báo cáo về dự thảo ngân sách trước Hạ viện Anh ngày 23/11, Bộ trưởng Tài chính nước này Philip Hammond cho biết Anh sẽ đối mặt với khoản thâm hụt tài chính công lên tới 59 tỷ bảng (73,1 tỷ USD) trong 5 năm tới do hậu quả của việc Anh quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit).
Theo phóng viên TTXVN tại London, Bộ trưởng Hammond cho rằng nước Anh cần phải nhanh chóng xử lý các điểm yếu lâu nay của nền kinh tế đó là khoảng cách năng suất lao động của Anh so với các nước khác trong EU, vấn đề nhà ở cũng như vấn đề mất cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và sự phồn vinh giữa các vùng trong nước Anh. Ông Hammond cũng đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách của Anh đến năm 2020 ở mức dưới 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo Văn phòng trách nhiệm giải trình ngân sách (OBR), Bộ Tài chính Anh sẽ phải vay thêm 122 tỷ bảng trong 5 năm tới, trong đó 59 tỷ bảng là do hậu quả của Brexit. Do vậy, chính sách tiết kiệm sẽ được tiếp tục duy trì cho đến tận nhiệm kỳ quốc hội khóa sau.
Đồng bảng Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
OBR đưa ra cảnh báo Brexit dẫn đến tăng trưởng chậm lại và thuế thu ít đi. OBR cũng cho rằng việc đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với EU và các nước khác sẽ làm chậm tốc độ tăng trường cả nhập khẩu và xuất khẩu của Anh trong 10 năm tới.
Bên cạnh đó, OBR còn điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh từ 2,2% xuống còn 1,4% cho năm 2017. OBR nhận định những yếu tố chính khiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm lại trong năm 2017 và 2018 là do ảnh hưởng của vấn đề Brexit, đó là việc đồng bảng giảm giá mạnh, điều này khiến chi phí nhập khẩu của Anh tăng lên. Tăng trưởng kinh tế Anh được dự báo ở mức 1,7% và 2,1% cho năm 2018 và 2019
TTXVN