(Thethaoavanhoa.vn) - Ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho hay giới chức nước này đã có các biện pháp cưỡng chế đối với 2 công dân Canada bị tình nghi đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, ngày 9/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ Terry Branstad tại nước này để phản đối mạnh mẽ về vụ bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của Tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cần rút lại lệnh bắt giữ nhân vật này.
Ông Lục Khảng nêu rõ chiếu theo Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc, Công an thành phố Bắc Kinh và Công an thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc nước này, ngày 10/12 đã lần lượt thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với 2 đối tượng nêu trên.
Theo người phát ngôn trên, Công an thành phố Bắc Kinh và Công an thành phố Đan Đông đã thông báo cho Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh. Ngoài ra, "các quyền hợp pháp của hai người này vẫn được đảm bảo".
Trước đó một ngày, Chính phủ Canada cho biết đang tìm kiếm ông Michael Spavor, công dân thứ hai của nước này bị thẩm vấn tại Trung Quốc, và được cho là mất tích sau cuộc liên lạc gần đây nhất của ông với các nhà chức trách Canada. Thông tin ông Spavor bị mất tích được xác nhận chỉ vài ngày sau khi một cựu quan chức ngoại giao của Canada là Michael Kovrig bị bắt trong chuyến đi tới Bắc Kinh.
Thông tin về việc hai công dân Canada bị cưỡng chế tại Trung Quốc xảy ra hơn một tuần sau khi giới chức Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu, theo yêu cầu của phía Mỹ.
Trung Quốc đã yêu cầu Canada sửa chữa sai lầm và ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Chu nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Canada tuyên bố vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu không có động cơ chính trị, đồng thời khẳng định tính độc lập của cơ quan tư pháp nước này.
Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Vancouver, Canada ngày 1/12 khi đang quá cảnh tại đây. Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver ngày 7/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với mỗi cáo buộc kể trên. Sau đó, tòa án tỉnh British Columbia của Canada ngày 11/12 đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD) kèm theo một số điều kiện quản chế nghiêm nghặt.
Minh Ngọc/TTXVN