(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h30 sáng 5/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 221,07 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,57 triệu bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 197,56 triệu người.
Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng đối với một loại thuốc điều trị COVID-19 dựa trên globulin miễn dịch của con người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm hơn 477.000 ca mới và hơn 7.700 ca tử vong. Trong đó, Mỹ cao nhất khi chiếm tới 58.629 ca mới, tiếp sau là Ấn Độ (42.924 ca), Anh (37.578 ca)... Về số ca tử vong do COVID-19, trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 796 ca, cao nhất thế giới.
Tính trên toàn thế giới, số ca mắc COVID-19 mới trong 1 tuần qua đã giảm 4% so với tuần trước đó, trong đó, châu Phi giảm 20%, Nam Mỹ giảm 16%, châu Đại Dương giảm 7%, châu Á giảm 4%, châu Âu giảm 3%. Riêng Bắc Mỹ tăng 0,1%.
Tại Mỹ, thực tế số trẻ em mắc COVID-19 nhập viện tăng cao trong mùa Hè đã khiến giới chức y tế nước này lo ngại số ca lây nhiễm ở nhóm này sẽ còn tăng thêm nữa khi trẻ trở lại trường học, đặc biệt tại bang Missouri. Sự lây lan của biến thể Delta cùng với tỷ lệ tiêm chủng thấp tại bang nay đã gây ra làn sóng dịch bệnh mới tại đây hồi tháng 6 và vẫn đang tiếp tục hoành hành.
Các bệnh viện tại bang liên tục tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 là trẻ em. Giới chức y tế bệnh viện kêu gọi các bậc phụ huynh cần chú trọng bảo vệ và khuyến cáo con em mình cẩn trọng khi quay trở lại trường, cũng như đưa trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi đi tiêm chủng.
Trong khi đó, các bệnh viện tại Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn lực lượng trầm trọng mà nguyên nhân là do nhiều y tá xin nghỉ việc, nghỉ hưu, mệt mỏi hoặc mất tinh thần do dịch bệnh COVID-19. Cuộc khủng hoảng này đã buộc nhiều bệnh viện tại Mỹ phải chi thêm nhiều để thuê thêm đội ngũ ngân viên y tá từ các bang khác. Hiện mức lương y tá thuê từ các bang khác đã tăng lên khoảng từ 3.000 đến 5.000 USD/tuần, thay vì 1.000 đến 2.000 USD/tuần như thời điểm trước.
Hiện châu Á là khu vực có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với 71,09 triệu ca. Châu Âu có 55,86 triệu ca; Bắc Mỹ có 48,91 triệu ca; Nam Mỹ có 37,06 triệu ca; châu Phi có 7,96 triệu ca; châu Đại Dương có 170.144 ca.
Lan Phương - TTXVN