(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 26/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 232.248.399 ca bệnh COVID-19, trong đó có 4.756.524 ca tử vong. 208.856.598 bệnh nhân đã bình phục và vẫn còn 18.635.277 bệnh nhân đang được điều trị.
Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các nước khu vực châu Á đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế để mở cửa đón du khách quốc tế trở lại thời gian tới.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 379.729 ca mắc COVID-19 và 5.933 ca tử vong. Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 54.114 ca, trong khi Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất, với 822 trường hợp.
Tại châu Mỹ, Peru lần đầu tiên phát 3 trường hợp nhiễm biến thể Delta Plus. 1 trong 3 bệnh nhân là nhân viên y tế đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhằm tránh để xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3, Peru đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện nước này đã tiêm được khoảng 24,84 triệu liều vaccine.
Tại châu Á, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới cao nhất trong khu vực, với 28.149 trường hợp nhiễm bệnh trong 24 giờ qua. Hiện quốc gia Nam Á này vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh lớn thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ, với 33.651.221 ca mắc, trong đó có 446.948 trường hợp không qua khỏi. Trong khi đó, Iran ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực, với 290 trường hợp, đưa số ca tử vong tại nước này lên 119.082 trong tổng số 5.519.728 ca mắc.
Trong 24 giờ qua, Singapore ghi nhận thêm 1.443 ca mắc mới, trong đó có 1.053 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 371 người sống trong các khu nhà dành cho lao động nhập cư và 19 ca nhập cảnh. Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới. Tính đến ngày 24/9, 82% người dân quốc gia Đông Nam Á này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong khi đó, bang Victoria đông dân của Australia cũng đã ghi nhận thêm 779 ca mắc, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục 847 ca của 1 ngày trước đó, song đây vẫn là mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Nhằm góp phần thúc đẩy việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ viện trợ 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo, gấp đôi cam kết trước đây. Theo ông, hiện thế giới vẫn đang chứng kiến sự bất bình đẳng về vaccine ngừa COVID-19, rõ ràng tỷ lệ tiêm vaccine tại nhiều khu vực vẫn còn thấp. Tại châu Phi, mới chỉ có 3% dân số đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, do đó, thế giới cần đẩy nhanh chiến dịch này.
Ngọc Hà/TTXVN