Triều Tiên tuyên bố đàm phán liên Triều thành công tốt đẹp

Thứ Tư, 10/1/2018, 10:9 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 9/1, Triều Tiên chính thức tuyên bố, cuộc đàm phán cấp cao giữa hai miền liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom đã thành công tốt đẹp.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết với sự quan tâm và kỳ vọng cao từ mọi người dân hai miền Triều Tiên cũng như cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng và Seoul đã có các cuộc tham vấn thẳng thắn và chân thành về nhiều vấn đề, bao gồm đảm bảo thành công Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018 và cải thiện quan hệ hai miền liên Triều.

Chú thích ảnh
Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son-gwon (thứ 3, trái) và Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (thứ 3, phải) trong cuộc đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom ngày 9/1. THX/ TTXVN

KCNA dẫn thông cáo chung về cuộc đàm phán cho biết cả Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí hợp tác chủ động để đảm bảo một kỳ Olympic thành công. Bình Nhưỡng coi sự kiện này là cơ hội để nâng cao uy tín và vị thế quốc gia. Hai bên cũng quyết định giữ vững các cam kết trước đó về các vấn đề liên Triều, nhất trí mọi vấn đề giữa hai miền phải được giải quyết giữa hai bên thông qua đối thoại và tham vấn.

Đàm phán cấp cao liên Triều đã được hai bên nhất trí sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp Năm mới bày tỏ sẵn sàng cử một phái đoàn của Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 và cho biết Triều Tiên để ngỏ đối thoại. Đường dây nóng giữa hai miền đã được mở lại cuối tuần trước.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội tới sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, theo đó mối quan hệ liên Triều tốt đẹp hơn sẽ tạo điều kiện để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa Mỹ với Triều Tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 10/1, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đã lên tiếng bác bỏ các mối quan ngại rằng việc Seoul thúc đẩy đối thoại với Bình Nhưỡng có thể làm suy yếu các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu với phóng viên, Bộ trưởng Cho Myoung-gyon nêu rõ việc đàm phán với Triều Tiên không đi ngược lại với hướng tiếp cận kết hợp trừng phạt với đối thoại của Chính phủ Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Triều Tiên cùng ngày đã nối lại đường dây liên lạc quan sự giữa hai miền Triều Tiên trên biển Hoàng Hải vốn bị bị gián đoạn gần 2 năm nay.

Đàm phán liên Triều: chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy đạt được tiến bộ, nhưng...

Đàm phán liên Triều: chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy đạt được tiến bộ, nhưng...

Mặc dù cuộc đàm phán liên Triều bước sang ngày thứ ba chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy đạt được tiến bộ, song nhiều nhà quan sát cho rằng chỉ riêng việc hai bên nhất trí tiến hành đàm phán đã là một dấu hiệu tích cực

Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã thông báo cho Seoul về việc nối lại đường dây liên lạc trên trong cuộc hội đàm cấp cao liên Triều và Hàn Quốc đã xác nhận việc kết nối trong chiều cùng ngày. Hiện tại, quân đội hai nước có thể đàm thoại thông qua đường dây liên lạc quân sự này.

Phía Hàn Quốc cho biết thêm việc khôi phục đường dây liên lạc quân sự khác trên vùng biển phía Đông Triều Tiên hiện đang gặp vấn đề về kỹ thuật và chưa được khắc phục sau thiệt hại do hỏa hoạn năm 2011.

Trước đó, đường dây liên lạc quân sự trên biển Hoàng Hải đã bị Triều Tiên cắt đứt vào tháng 2/2016 nhằm phản ứng trước việc Chính phủ Hàn Quốc chấm dứt hoạt động của khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong.

Giới chuyên gia đánh giá việc nối lại đường dây này là động thái thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng nhằm đẩy mạnh nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 9/1 đã ra tuyên bố hoan nghênh việc hai miền Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán cấp cao, đồng thời cho rằng một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên là cần thiết và có thể.

Tuyên bố nêu rõ Ottawa hoan nghênh nỗ lực liên quan đến Triều Tiên tại Olympic mùa Đông năm 2018. Canada khẳng định sẽ “hỗ trợ đầy đủ các nỗ lực khu vực và quốc tế để giải quyết mối đe doạ an ninh quốc tế cấp bách hiện nay, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo một cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.

Vào ngày 16/1 tới, Canada và Mỹ sẽ đồng chủ trì cuộc họp của ngoại trưởng các nước nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Trong vài trò nước chủ nhà, Canada mong muốn sẽ tìm được tiếng nói đồng thuận tại cuộc họp được tổ chức tại thành phố Vancouver thuộc tỉnh bờ Tây British Colombia, nhằm hướng tới một bán đảo Triều Tiên an ninh, thịnh vượng và phi hạt nhân hoá.

TTXVN

Đàm phán liên Triều sụp đổ

Đàm phán liên Triều sụp đổ

Các cuộc đàm phán quân sự giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã bất ngờ sụp đổ hôm 9/2, do đại biểu Triều Tiên rời khỏi cuộc đối thoại và không thông qua thời hạn cụ thể cho cuộc gặp gỡ tiếp theo.

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến