(Thethaovanhoa.vn) - Các quan chức Chính phủ Triều Tiên đã âm thầm tìm cách sắp xếp các cuộc đối thoại với các nhà phân tích về đảng Cộng hòa ở Washington, với mục đích hiểu hơn về Tổng thống Mỹ Donald Trump và những thông điệp khó hiểu của ông tới Bình Nhưỡng.
"Mối lo ngại số một của họ là ông Donald Trump. Họ không thể nắm bắt được ông ấy", tờ Washington Post dẫn lời một người biết về việc tiếp cận của Bình Nhưỡng với các chuyên gia châu Á có liên hệ với đảng Cộng hòa của Mỹ.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên muốn đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này, và chính quyền Tổng thống Trump cũng đã nói rõ rằng Washington cũng không muốn đàm phán trong lúc này.
Tại một cuộc gặp đa phương ở Thụy Sĩ hồi tháng trước, các đại diện Triều Tiên chỉ muốn bàn luận về việc được công nhận là một quốc gia vũ khí hạt nhân và không thể hiện bất cứ sự sẵn sàng nào trong việc nói chuyện về phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, muốn hiểu hơn về ý định của Mỹ mà không có các cuộc đàm phán ngoại giao chính thức với Chính phủ Mỹ, phái đoàn Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã mời ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nay là chuyên gia cấp cao về Triều Tiên của Heritage Foundation, tới Bình Nhưỡng để nói chuyện.
Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump có mối quan hệ gần gũi với Quỹ Heritage.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/9 cảnh cáo rằng Washington hoàn toàn chuẩn bị cho giải pháp quân sự đối với CHDCND Triều Tiên nhưng phương án này có thể là “tàn phá” với Bình Nhưỡng.
Ông Bruce Klingner đã từ chối lời mời của Bình Nhưỡng: “Họ đang tìm cách tiếp cận với các học giả và cựu quan chức Mỹ. Tuy các cuộc gặp như vậy là hữu ích, nhưng nếu Triều Tiên muốn gửi một thông điệp rõ ràng, họ nên tiếp xúc trực tiếp với Chính phủ Mỹ”.
Các nhà trung gian hòa giải Triều Tiên cũng tiếp cận với ông Douglas H.Paal, từng là chuyên gia châu Á về Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời các cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan và George H.W. Bush, hiện là Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế.
Họ muốn ông Douglas H.Paal sắp xếp các cuộc gặp giữa giới chức Triều Tiên và các chuyên gia Mỹ có mối quan hệ với đảng Cộng hòa ở một địa điểm trung lập như Thụy Sĩ. Tuy nhiên, Ông Douglas H.Paal cũng từ chối yêu cầu của Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Evans Revere, cựu quan chức Bộ Ngoai giao Mỹ từng có liên lạc với Triều Tiên, người cũng tham gia cuộc họp nói trên ở Thụy Sĩ, nhận định: "Theo phỏng đoán của riêng tôi, họ đang bối rối về hướng đi mà Mỹ đang tiến hành, thế nên họ đang tìm cách mở các kênh để bắt mạch Washington… Họ chưa bao giờ thấy Mỹ hành động như vậy trước đây".
Theo Trần Minh/Báo Tin Tức