(Thethaovanhoa.vn) - Triều Tiên ngày 6/1 tuyên bố đã tiến hành thử thành công lần đầu tiên một trái bom H (bom nhiệt hạch). Nếu điều này là đúng thì đó sẽ là bước tiến dài của Bình Nhưỡng trong chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi. Thế nhưng còn rất nhiều câu hỏi đằng sau tuyên bố này.
* Có thực đó là một vụ thử bom H?
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, ngày 6/1, người dân ở Thủ đô Bình Nhưỡng đã đổ ra đường phố để ăn mừng thành tựu quân sự này. Thế nhưng nhiều chuyên gia thì nói rằng đó là quang cảnh được dàn dựng và quay trước đó.
Việc nghiên cứu, chế tạo bom H khó hơn rất nhiều so với bom nguyên tử (bom A), tính hủy diệt của nó vì thế cũng lớn hơn hàng trăm lần.
“Một trái bom H có thể thổi bay toàn bộ thành phố New York, không một ai sống sót hết. Thế nhưng một quả bom A thì cũng lắm cũng chỉ hủy họai được khu vực Manhattan mà thôi”, Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul bình luận.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện trên truyền hình hôm 10/12/2015, ngầm đề cập đến vụ thử bom H. Ảnh: APHơn nữa, chương trình chế tạo bom H rất tốn kém. “Đối với Triều Tiên, việc sở hữu thứ vũ khí đắt đỏ, hủy diệt kia là quá mức cần thiết và không có ý nghĩa gì. Nó tựa như việc đi xe Porsche mua sắm đồ ở một cửa hàng cách vài bước chân. Chương trình rất đắt đỏ, mà lại không có đóng góp gì đối với an ninh của họ”, ông Lankov nói.
Cùng chia sẻ mối nghi ngờ về khả năng thử thành công của Bình Nhưỡng, Adam Cathcart, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Trung Quốc tại Đại học Leed (Anh) dẫn chứng, trước đây Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố đạt những bước tiến vượt bậc về chương trình hạt nhân, tên lửa, nhưng rốt cục không phải vậy. Theo ông, tuyên bố hôm 10/12/2015 về tiềm lực bom H mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra có thể cắt nghĩa cho vụ nổ hôm 6/1: Ít nhất thì ông Kim Jong-un cũng giữ vị thế về hình ảnh, có nói và có làm.
* Tuyên bố có giúp hiểu thêm gì về chương trình hạt nhân?
Triều Tiên trước đó đã 3 lần tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân trong các năm 2006, 2009 và 2013 – tất cả đều diễn ra tại bãi thử Punggye-ri, địa điểm mà gần đó ghi nhận được dư chấn 5,1 độ Richter trong vụ động đất nhân tạo hôm 6/1. Giới phân tích nhận định, dù tuyên bố thử thành công kia là thật hay giả đi nữa, nó vẫn cho thấy một điều: Bình Nhưỡng quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân.
“Triều Tiên đang muốn chứng tỏ là đạt thành công và có bước tiến. Quan trọng hơn cả, họ muốn tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không phải bàn cãi”, Remco Breuker, giáo sư ngành nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Leiden chia sẻ.
Ông Lankov cũng đồng tình với nhận định này. Theo đó, điều quan trọng mà Triều Tiên muốn cả thế giới cần biết là chương trình hạt nhân của nước này vẫn tồn tại. Nó xuất phát từ thực tế một tháng trước đây, Bình Nhưỡng đã bắn tin về một bước đột phá, thế nhưng nhiều người lúc đó tin rằng đây chỉ là tuyên bố chơi.
* Tại sao lại ở thời điểm này?
Khi thông báo đặc biệt về vụ thử được phát đi trên kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên, rộ lên nhiều đồn đoán nhân tố nào thúc đẩy Bình Nhưỡng hành động. Nhiều nhà phân tích nói rằng không mấy ngạc nhiên về vụ thử, nhưng lại chưa cắt nghĩa được thời điểm “ấn nút”.
Vài tháng gần đây, Bình Nhưỡng bắn đi tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với nhiều nước, từ các đối tác truyền thống như Nga, Trung Quốc cho đến một số nước ở Đông Nam Á. “Các hoạt động ngoại giao sôi nổi hơn bình thường và giới lãnh đạo Triều Tiên muốn có bước đột phá nào đó về dòng vốn đầu tư”, giáo sư Lankov bày tỏ.
Ông Breuker thì nhìn nhận, nguyên do có thể là xuất phát từ tình hình trong nước do quan hệ giữa Triều Tiên với các nước thời gian qua không gia tăng căng thẳng; đó có thể là những nhân tố mà thế giới bên ngoài không kiểm soát được, thậm chí còn mù tịt thông tin.
* Điều gì tiếp theo?
Các quốc gia láng giềng, cường quốc trên thế giới đều ra tuyên bố, phản ứng gay gắt hành động của Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã có phiên họp khẩn. Nhiều khả năng sẽ có thêm các biện pháp cấm vận, trừng phạt mới sẽ được trình lên, nhưng mức độ tác động không nhiều, ngoại trừ áp dụng biện pháp cấm mọi thiết chế ngân hàng toàn cầu giao dịch với Triều Tiên.
Vụ thử cũng làm cho quan hệ Trung - Triều vốn không mấy êm dịu kể từ thời điểm ông Kim Jong-un lên nắm quyền thêm xấu đi, ông Cathcart nhìn nhận. Bắc Kinh sẽ chịu sức ép nhất định từ dư luận xã hội và giới chính trị-ngoại giao trong nước trước nhu cầu vừa phải “xiết” lại quan hệ với Bình Nhưỡng, nhưng cũng lại phải để ngỏ cánh cửa trợ giúp quốc gia láng giềng tiến hành các cải cách kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Tin Tức/ Aljazeera