(Thethaovanhoa.vn) - Kết quả đánh giá 14 nghiên cứu quốc tế cho thấy các triệu chứng mắc COVID-19 kéo dài (long COVID) ở trẻ em và thanh thiếu niên thường chấm dứt sau 12 tuần.
Khi các trường học trên toàn nước Mỹ mở cửa trở lại, nhiều quan chức nước này đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ trẻ em mắc Covid-19 do biến thể Delta rất dễ lây lan.
Kết quả đánh giá, đăng tải trên tạp chí Pediatric Infectious Disease Journal, chỉ ra các triệu chứng "long COVID" ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên ít xảy ra hơn so với lo ngại trước đó.
Đánh giá thực hiện với 14 nghiên cứu quốc tế bao gồm các dữ liệu từ 19.426 trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có các triệu chứng "long COVID" sau khi mắc bệnh. Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Nigel Curtis, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch (Australia), cho rằng cần nghiên cứu thêm để có thể xác định chính xác nguy cơ xuất hiện các triệu chứng "long COVID" ở nhóm trẻ tuổi, đặc biệt là để có thêm căn cứ quyết định về việc tiêm phòng cho trẻ dưới 12 tuổi.
Hiện vẫn chưa có những tiêu chuẩn lâm sàng rõ ràng để chẩn đoán hay xác định thời gian tồn tại của hội chứng "long COVID" ở những người từng mắc COVID-19. Hội chứng này hiện nay bao gồm hơn 200 triệu chứng đã được ghi nhận. Theo Giáo sư Curtis, vì không có tiêu chuẩn để đánh giá hay kiểm tra nên hiện rất khó để phân biệt hội chứng này với những biểu hiện khác do những tác động khác như các biện pháp phong tỏa hay những tác động gián tiếp của dịch COVID-19.
Trong các nghiên cứu được đánh giá, 5 triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên mắc hội chứng "long COVID" là đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau bụng và mất tập trung. Tuy nhiên, một số nghiên cứu thực hiện với những nhóm có kiểm soát, tỷ lệ người mắc những triệu chứng trên ở nhóm những người từng mắc COVID-19 và nhóm chưa từng mắc COVID-19 là tương đương. Trong phần lớn các nghiên cứu, những triệu chứng này không kéo dài quá 12 tuần. Tuy nhiên, Giáo sư Curtis vẫn muốn các bậc phụ huynh tiếp tục lưu ý tác động của "long COVID" ở các con em mình vì hội chứng này dù chưa được xác định rõ ràng nhưng có tồn tại và đó là lý do vì sao các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có thể phát hiện và điều trị tốt hơn hội chứng này.
Một nghiên cứu riêng rẽ của Viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em Murdoch về COVID-19 với trẻ em chỉ ra so với các biến thể khác, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 không làm gia tăng nguy cơ bệnh nặng ở trẻ em dù nguy cơ lây nhiễm cao hơn do khả năng lây lan của biến thể này vượt trội những biến thể khác. Theo Giáo sư Curtis, số ca nhập viện và cần chăm sóc tích cực ở trẻ em vẫn rất thấp, phần lớn trẻ em nhập viện do COVID-19 hồi phục và xuất viện nhanh chóng, việc nhập viện điều trị cũng là để phòng ngừa nguy cơ diễn biến xấu. Tuy nhiên, nghiên cứu lưu ý trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có bệnh nền như béo phì, bệnh thận mạn tính và rối loạn miễn dịch, có nguy cơ bệnh nặng cao hơn gấp 25 lần so với người bình thường.
Lê Ánh/TTXVN