(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này một khi công tác chuẩn bị hoàn tất.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Trump trong cuộc họp báo cùng ngày tại Nhà Trắng cho hay giờ là thời điểm thích hợp để chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ “bắt đầu triển khai mọi công tác chuẩn bị để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem."
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump cho rằng quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của nước Mỹ, cũng như việc tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine. Theo Tổng thống Trump, kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995 tới nay, các chính quyền tiền nhiệm đã trì hoãn việc thực thi đạo luật này vì quan ngại sẽ gây phương hại cho nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình tại khu vực Trung Đông. Theo giới chức Nhà Trắng, quá trình chuẩn bị và chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem có thể sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel đã giúp Tổng thống Trump hiện thực hóa một trong những cam kết tranh cử quan trọng. Động thái này cũng nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, bước đi nói trên được xem là sự đảo ngược so với chính sách mà Washington thực thi nhiều thập kỷ qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời có nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở giải pháp “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine.
Cùng ngày, hàng loạt nhà lãnh đạo Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Mỹ. Đặc phái viên Palestine gọi hành động của Tổng thống Trump là lời tuyên chiến tại Trung Đông. Giáo Hoàng Francis cho rằng “nguyên trạng” của Jerusalem cần phải được tôn trọng. Trung Quốc và Nga cũng đều lên tiếng bày tỏ quan ngại bước đi này có thể sẽ gây bất ổn hơn nữa khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định Washington cam kết ủng hộ tiến trình hòa bình và giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.
Trong suốt hàng nghìn năm, Jerusalem trở thành vùng đất bị xâu xé, tranh giành không chỉ bởi đủ các sắc tộc như Do Thái, Cơ đốc hay Hồi giáo mà còn bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó.
TTXVN