(Thethaovanhoa.vn) - Tờ Washington Post ngày 17/12 đưa tin, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ đề cử hạ nghị sĩ Deb Haaland nắm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 14/12, ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden đã giành thêm được 55 phiếu đại cử tri của bang California, một bang đông dân nhất nước Mỹ, vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Bà Deb Haaland, một nghị sĩ đảng Dân chủ của bang New Mexico từ năm 2019, sẽ trở thành người Mỹ bản địa đầu tiên điều hành Bộ Nội vụ Mỹ. Nếu đề cử này được thông qua, bà Haaland sẽ có quyền điều hành hơn 70.000 nhân viên của Bộ Nội vụ và giám sát hơn 20% bề mặt nước Mỹ, bao gồm các vùng đất bộ lạc và các công viên quốc gia như Yellowstone và Yosemite.
Trước đó phát biểu với hãng tin Reuters, bà Haaland tuyên bố sẽ tìm cách tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo trên đất Mỹ nhằm góp phần đấu tranh chống biến đổi khí hậu và phá hủy kế hoạch của Tổng thống Donald Trump vốn tập trung vào sản lượng nhiên liệu hóa thạch.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, cùng ngày ba nguồn thạo tin cho hay Tổng thống đắc cử Joe Biden có kế hoạch bổ nhiệm ông Michael Regan, nhà lãnh đạo cơ quan môi trường hàng đầu của bang North Carolina làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, đơn vị đóng vai trò quan trọng đối với các chính sách về biến đổi khí hậu của ông.
Các nguồn tin cho biết ông Regan sẽ trở lại Washington để lãnh đạo cơ quan này, nơi mà ông từng làm việc dưới thời chính quyền của Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush. Ông Regan lãnh đạo Sở Chất lượng Môi trường bang North Carolina từ năm 2017.
Hiện việc đề cử vẫn đang trong quá trình xem xét cuối cùng.
Việc lựa chọn ông Regan cho thấy ông Biden rất mong muốn có một chuyên gia lâu năm làm việc tại một cơ quan chịu trách nhiệm về phần lớn các quy định liên quan tới môi trường bị loại bỏ trong chính quyền Tổng thống Trump, như một số quy định về nhà máy điện và các khí thải công nghiệp từ lĩnh vực dầu khí, phương tiện giao thông - tất cả những quy định này sẽ cần phải được đảo ngược để đưa Mỹ đi đúng hướng, hướng tới việc đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 như ông Biden đã cam kết.
TTXVN