(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong hai phút đồng hồ, liên minh vũ trang Mỹ, Pháp và Anh đã phá hủy ba cơ sở vũ khí hóa học của Syria với tổng cộng 105 vũ khí được cho là đều đánh trúng mục tiêu như tuyên bố của Lầu Năm Góc.
Đây là lời khẳng định của giới chức chóp bu Lầu Năm Góc đưa ra trong ngày 14/4.
“Không thể có kết quả tốt hơn. Nhiệm vụ hoàn thành!”, Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể giấu nổi niềm vui trong dòng Twitter sáng cùng ngày.
Báo Military dẫn lời Trung tướng Kenneth McKenzie - lãnh đạo Ban tham mưu liên quân của Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo trong một cuộc họp của Lầu Năm Góc đưa tin cuộc tấn công Syria vào tối 13/4 có sự tham gia của tàu chiến, máy bay và một tàu ngầm hoạt động tại đông Địa Trung Hải, Biển Đỏ và Biển Bắc Arab nhằm vào vùng ngoại ô thủ đô Damascus và hai khu vực khác cách đó gần 150 km về phía bắc "thành công".
Tổng cộng có 76 quả tên lửa, trong đó là 50 tên lửa tấn công Tomahawk và 19 Tên lửa Không đối đất Liên quân (JASSM-ER), nhắm vào Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Barzah ở gần thủ đô Damascus.
Cùng lúc đó, cơ sở dự trữ vũ khí hóa học Hims-Shinsar ở tỉnh Homs cũng bị dính đòn 22 quả tên lửa, bao gồm 9 quả Tomahawk, 8 tên lửa Storm Shadow của Anh, 3 tên lửa hành trình của Hải quân Pháp, và 2 tên lửa hành trình tấn công mặt đất SCALP.
Mục tiêu cuối cùng, kho vũ khí hóa học Hims—Shinsar bị 7 quả tên lửa SCALP của Pháp dội trúng.
Kích hoạt từ Biển Đỏ, tuần dương hạm USS Monterey phóng 30 quả tên lửa Tomahawk và Arleigh, trong khi tàu khu trục Laboon lớp Burke phóng 7 quả TLAM.
Tại Biển Bắc Arab, tàu khu trục Higgins lớp Arleigh Burke phóng 23 quả tên lửa TLAM.
Phía đông Địa Trung Hải, tàu chiến Languedoc của Pháp khai hỏa 3 phiên bản hải quân của tên lửa SCALP.
Trên không trung, hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer dội xuống 19 tên lửa JASSM, trong khi các chiến đấu cơ Tornado và Typhoon của Anh liên tiếp nã xuống 8 quả tên lửa Storm Shadow.
Bên cạnh việc xuất hiện của các chiến đấu cơ và máy bay ném bom, vụ không kích còn có sự tham gia của một loạt máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay tác chiến điện tử, trong đó gồm EA-6B Growlers, đễ hỗ trợ nhiệm vụ.
Cuộc tấn công Syria vào tối 13/4 đánh dấu lần đầu tiên tên lửa JASSM-ER ra trận chiến đấu. JASSM-ER là một biến thể của tên lửa hành trình tàng hình tầm xa phóng từ máy bay JASSM, ra đời vào năm 2002. JASSM-ER có tầm bay hơn 1.000 km, xa hơn so với tầm bay 370 km của phiên bản trước đó, mang theo đầu đạn 453 kg. Ngoài ra, JASSM-ER có thiết kế giúp giảm thiểu việc bị radar đối phương phát hiện, giúp tên lửa xâm nhập sâu hơn.
Theo tướng McKenzie, mặc cho tuyên bố từ Syria, tất cả các tên lửa của liên minh đều đánh trúng mục tiêu của quốc gia này mà không hề vấp phải sự can thiệp từ hệ thống phòng không.
“Chúng tôi ước tính có hơn 40 quả tên lửa đất đối không được quân đội Syria triển khai, nhưng phần lớn các đợt phóng đó đều được thực hiện sau khi cuộc tấn công của chúng tôi kết thúc”, Tướng McKenzie giải thích, “lần đánh chặn của họ không hiệu quả”.
Tướng McKenzie khẳng định hệ thống phòng không S-400 và S-300 của Nga nằm ngoài phạm vi của ba mục tiêu và các hệ thống này cũng không được kích hoạt. Chính vì vậy hệ thống phòng thủ của Syria không thể ngăn chặn được bất kỳ tên lửa hoặc máy bay nào tham gia cuộc không kích. Tất cả các máy bay đều an toàn trở về căn cứ.
So với cuộc tấn công năm ngoái vào một căn cứ không quân Syria, quy mô và số lượng vũ khí trong cuộc tấn công năm nay gấp đôi. Trước đó, trong một đòn đáp trả năm 2017 do nghi ngờ Syria sử dụng chất độc thần kinh sarin tại phía bắc Damascus, Tổng thống Trump ra lệnh phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk từ hai tàu khu trục Ross và Porter.
Năm 2017, Mỹ chỉ dùng tên lửa Tomahawk, nhưng năm nay giới quan sát đánh giá Lầu Năm Góc đã tận dụng cuộc không kích Syria để thử nghiệm vũ khí mới.
Được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh", tên lửa Tomahawk luôn giữ vai trò mở màn khi Mỹ tham chiến. Tên lửa này có khả năng bắn trúng mục tiêu quan trọng có giá trị cao của đối phương với sai số cực nhỏ.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức