(Thethaovanhoa.vn) - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 92.129 trường hợp mắc COVID-19 và 4.467 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên 4.980.253 người. Trừ Mỹ và Brazil, đại dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới, nhiều nước thận trọng nới lỏng các biện pháp phòng dịch và đang từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8 giờ sáng 19/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 4.888.118 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 319.965 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Số bệnh nhân bình phục và xuất viện là 1.905.246 ca.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 4.980.253 ca, trong đó có 324.432 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.957.753 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 45.068 và 2.698.068 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, thế giới có 2 nước ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 1.000 ca là Mỹ và Brazil. Nước Anh cũng bất ngờ chứng kiến số ca tử vong tăng cao trở lại với 545 trường hợp.
Mỹ, Nga và Brazil vẫn là ba quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới tính theo ngày, trong đó "Xứ sở Samba" có nguy cơ trở thành tâm dịch mới khi dịch bệnh đang diễn biến xấu với tốc độ rất nhanh những ngày gần đây.
Trong vòng 1 ngày qua, Brazil chính là điểm nóng COVID-19 nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ, khi quốc gia Mỹ Latinh này ghi nhận tới 16.260 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 và 1.118 ca tử vong. Tới sáng 20/5, Brazil đã có tổng cộng 271.628 mắc COVID-19 và 17.971 người thiệt mạng.
Tính tới 6 giờ sáng 20/5 (theo giờ Việt Nam) Mỹ tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới với số ca COVID-19 lên tới 1.569.516 ca mắc bệnh (tăng 19.222 so với 1 ngày trước) và trên 93.466 ca tử vong (tăng 1.485 ca).
Cơ quan y tế New York công bố các số liệu cho thấy một số khu vực ở thành phố New York ghi nhận số ca tử vong cao gấp 15 lần các nơi khác. Một số bang của Mỹ đang từng bước nối lại hoạt động kinh tế và thể thao.
Bất chấp thực tế là số ca nhiễm vẫn tăng, bang Texas dự kiến cho phép mở lại các quán rượu từ cuối tuần này. Bang Florida cũng đang từng bước khôi phục đời sống một cách bình thường. Một số nhà hàng và cửa hiệu đã mở cửa tại Miami và Fort Lauderdale. Tuy nhiên, các bãi biển trong vùng vẫn phải đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong khi đó, Thống đốc bang California Gavin Newsom thông báo các hoạt động thể thao sẽ được nối lại từ đầu tháng 6 song không có khán giả, và phải tiếp tục các biện pháp phòng dịch.
Tại châu Âu, nước Anh đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất khu vực khi ghi nhận số ca tử vong lên đến 35.341 người (tăng 545 ca so với 1 ngày trước) và 248.818 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (tăng 2.412 ca).
Theo tính toán của hãng tin Reuters, số liệu chính thức mới của xứ England và Wales cho biết tổng số ca tử vong tại Anh lên ít nhất 42.990 người, trong đó bao gồm cả số liệu công bố trước đó của Scotland và Bắc Ireland.
Một hiệp hội các công ty hàng không vũ trụ, máy móc tự động và y tế của Anh cho biết họ đang tăng cường sản xuất máy thở nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nếu bùng phát đợt dịch bệnh thứ 2.
Với 299.941 ca mắc COVID-19 tính tới sáng 20/5, Nga là quốc gia châu Âu có nhiều ca mắc bệnh nhất. Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 9.263 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 83 chủ thể liên bang, đưa tổng số người nhiễm COVID-19 lên 299.941 trường hợp, trong đó 43,1% số ca nhiễm mới không có biểu hiện lâm sàng.
Như vậy đã 3 ngày liên tiếp Nga ghi nhận số ca nhiễm mới dưới ngưỡng 10.000. Cũng trong vòng 1 ngày qua, Nga có thêm 5.921 bệnh nhân bình phục, đưa tổng số bệnh nhân xuất viện lên 76.130 người, đồng thời có thêm 115 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 2.837 trường hợp. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất với 3.545 trường hợp, 2.583 bệnh nhân bình phục và 71 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Trong ngày 19/5, Điện Kremlin cho biết Thủ tướng nước này Mikhail Mishustin đã trở lại làm việc sau khi được cách ly để điều trị bệnh COVID-19.
Tại Italy, quốc gia từng là tâm dịch của châu Âu, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết hết ngày 19/5 nước này ghi nhận 813 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 226.699 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy đã tăng lên 32.169 trường hợp (tăng 162 ca trong 24 giờ qua). Ngoài ra, có 2.075 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 129.401 người. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 716 ca (giảm 33 ca).
Nhà thờ Thánh Peter tại Tòa thánh Vatican đã đón khách trở lại sau hơn 2 tháng đóng cửa theo lệnh phong tỏa của Chính phủ Italy nhằm ngăn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Nhà thờ vẫn phải tuân thủ khuyến nghị của Bộ Nội vụ Italy, hạn chế các buổi lễ từ 200 người trở lên. Trong khi đó, du khách khi đến tham quan phải xếp hàng theo các quy định giãn cách xã hội và được cảnh sát đo thân nhiệt trước khi vào bên trong nhà thờ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố công dân Pháp và những người cư trú ở Pháp trở về nước này từ khu vực ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải thực hiện cách ly tự nguyện trong vòng 2 tuần.
Quy định này sẽ không có hiệu lực với những người nước ngoài không phải là công dân EU vì liên minh này vẫn đóng cửa biên giới nhằm kiềm chế dịch COVID-19 lây lan. Theo ông Le Drian, quy định trên có hiệu lực từ ngày 20/5 và dựa trên trách nhiệm cá nhân.
Đến sáng 20/5, Pháp ghi nhận 180.809 ca nhiễm (tăng 882 ca so với 1 ngày trước) và 28.022 ca tử vong. Điều đặc biệt là trong vòng 24 giờ qua, "kinh đô ánh sáng" không ghi nhận ca tử vong nào vì virus SARS-CoV-2.
Ngày 19/5, lãnh đạo Đức và 4 nước Visegrad (còn gọi là Nhóm V4, gồm Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Ba Lan) đã nhất trí dần gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới ngay khi tình hình dịch COVID-19 cho phép. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến cấp thủ tướng cùng ngày giữa Nhóm V4 và Đức.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng trình bày về những điểm chính của kế hoạch thành lập gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro do Đức và Pháp đề xuất nhằm phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là một trong những ưu tiên của Đức khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) thời gian tới.
Tính tới nay, Đức ghi nhận tổng cộng 177.827 ca mắc COVID-19 và 8.193 người tử vong.
Tây Ban Nha đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến tàu thủy và bay thẳng từ Italy vốn được áp đặt từ ngày 11/3 vừa qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, hạn chế du lịch và cách ly 14 ngày vẫn áp dụng với những người trở về nước này. Hiện tổng số ca tử vong ở Tây Ban Nha là 27.709 người, thấp hơn Mỹ, Anh, Italy và Pháp.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm mạnh là động lực khiến Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng một trong những biện pháp phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Dẫu vậy, nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch này có thể vẫn phải chờ đến cuối tháng sau mới mở cửa đón du khách.
Thủ tướng Pedro Sanchez đề nghị Quốc hội Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp đến 27/6 tới.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết thêm 3 bệnh nhân được xuất viện. Như vậy, tính đến hết ngày 18/5, tại Trung Quốc đại lục có tổng cộng 78.241 bệnh nhân được chữa khỏi.
Tổng số ca nhiễm là 82.960 người, trong đó có 4.634 ca tử vong. Quốc gia từng là nơi khởi phát của đại dịch COVID-19 hiện lo ngại một làn sóng dịch thứ hai, khi một số địa phương ở Trung Quốc những ngày gần đây lại ghi nhận các ca dương tính mới.
Hàn Quốc thông báo tổng số ca nhiễm tăng thêm 13 ca lên 11.078 ca, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca mới hàng ngày dưới 20 ca. Trong số các ca nhiễm mới có 9 ca lây nhiễm trong nước.
Số ca tử vong vẫn giữ nguyên ở con số 263. Ngoài ra, Hàn Quốc có thêm 34 bệnh nhân bình phục, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 9.938 ca.
Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình hỗ trợ tài chính cho các sinh viên gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, Nhật Bản sẽ trợ cấp tối đa bằng tiền mặt 200.000 yen (khoảng 1.900 USD)/người cho các sinh viên đang theo học tại khoảng 430.000 trường cao đẳng, đại học, trường kỹ thuật dạy nghề và trường dạy tiếng Nhật ở Nhật Bản, đang gặp khó khăn trong việc thanh toán học phí hoặc trang trải chi phí sinh hoạt do dịch COVID-19.
Cụ thể, các sinh viên thuộc hộ gia đình có thu nhập thấp và được miễn giảm thuế cư trú sẽ được trợ cấp 200.000 yen/người, trong khi những sinh viên khác sẽ được nhận 100.000 yen/người. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận 16.305 ca nhiễm, trong đó có 749 ca tử vong, chưa kể số ca nhiễm và tử vong trên du thuyền Diamond Princess.
Iran tính tới sáng 20/5 cho biết đã có thêm 2.111 ca mắc mới bệnh COVID-19 trên toàn lãnh thổ nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 124.603 ca. Theo Bộ Y tế Iran, virus SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh chóng ra tất cả 31 tỉnh, thành ngay sau khi các ca tử vong đầu tiên được thông báo cách đây 3 tháng.
Ngoài số ca nhiễm mới, đáng chú ý là số ca tử vong đã giảm. Trong 24 giờ qua, 10 trong số những tỉnh, thành trên không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào, trong khi tại 6 tỉnh khác mới chỉ có một ca tử vong.
Tổng số ca tử vong mới là 62 ca, nâng số người tử vong tại Iran vì dịch bệnh COVID-19 lên 7.199 người. Tỉnh Khuzestan, Tây Nam Iran vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm nhất, tuy nhiên tại phần lớn các tỉnh khác, tình hình đã ổn định trở lại.
Tại Ấn Độ, ngày 19/5, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này ghi nhận 3.558 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc bệnh COVID-19 lên 103.886 người. Số ca tử vong tăng 56 người, lên tổng số 3.212 người.
Số ca nhiễm bệnh ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi từ mức 50.000 lên hơn 100.000 người chỉ trong chưa đầy 2 tuần, trong bối cảnh nước này tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế trong giai đoạn phong tỏa thứ 4 cho đến ngày 31/5.
Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan khẳng định Ấn Độ đã thành công trong việc kiềm chế dịch COVID-19 với lệnh phong tỏa toàn quốc và các biện pháp y tế cộng đồng khác một cách kịp thời.
Tới sáng 20/5 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 71.064 ca mắc bệnh và trên 2.250 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, trong khi Campuchia và Timor Leste không còn bệnh nhân nào.
Theo thống kê của trang worldometers.info, các nước ASEAN trong 24 giờ qua có thêm 1.203 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước. Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.257 người dân ở khu vực này, tăng 37 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 26.308 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia đã “vượt qua” Singapore để thành quốc gia ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 486 ca. Indonesia cũng đã trở thành “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực với tổng cộng 1.221 ca tử vong tới thời điểm này, tăng 30 trường hợp so với ngày 18/5.
Malaysia sau nhiều ngày yên ả, lại ghi nhận thêm 1 ca tử vong nữa trong ngày 19/5. Tuy nhiên, về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines; một số nước ASEAN bắt đầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội.
Một diễn biến đáng chú ý liên quan tới dịch bệnh COVID-19 trong ngày 19/5 đó là phiên họp toàn thể của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại phiên họp thường niên cấp bộ trưởng diễn ra trực tuyến trong 2 ngày này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19, “vốn đe dọa phá vỡ khuôn khổ hợp tác quốc tế”.
Cũng tại phiên họp nói trên, toàn bộ 194 nước thành viên thuộc WHO đã nhất trí mở cuộc điều tra độc lập về hoạt động ứng phó với dịch COVID-19 của WHO. Các nước đã thông qua một nghị quyết, trong đó kêu gọi đánh giá "công bằng, khách quan và toàn diện" về biện pháp ứng phó quốc tế đối với cuộc khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đến đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ủng hộ WHO và những nỗ lực đa phương nhằm chống lại dịch COVID-19. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo Washington tạm thời đóng băng khoản góp quỹ cho WHO và rút Mỹ khỏi tổ chức y tế lớn nhất thế giới này.
Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất và đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng khoản góp quỹ của Mỹ dành cho WHO trong một thời gian dài và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi tại tổ chức này".
Trong ngày 19/5, thêm một nghiên cứu tích cực và khả năng sẽ là đột phá trong quá trình tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19. Nghiên cứu trong điều kiện phòng thí nghiệm cho thấy kháng thể sản sinh trong cơ thể người từng mắc Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) đã ngăn chặn được nguy cơ mắc COVID-19.
Các nhà khoa học tại Thụy Sĩ và Mỹ trước đó đã tách được kháng thể từ cơ thể của bệnh nhân được điều trị thành công khỏi dịch SARS vào năm 2003. Sau đó, họ tiến hành thử nghiệm 25 mẫu kháng thể khác nhau để đánh giá khả năng ngăn chặn các tế bào không bị nhiễm COVID-19. Các mẫu kháng thể này nhằm vào các protein gai của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Sau quá trình thực nghiệm, các nhà nghiên cứu đã xác định được 8 kháng thể có thể liên kết với COVID-19 và các tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, kháng thể S309 đã thể hiện khả năng đặc biệt mạnh chống lại COVID-19. Bằng cách kết hợp S309 với các kháng thể ít "năng lực" hơn, các kháng thể này có thể tấn công vào các vị trí khác nhau của protein gai vì vậy làm giảm khả năng biến chủng của loại protein này.
Theo Báo Tin tức