(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 11/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 12.625.155 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 562.769 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 7.333.038 người.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins công bố sáng 7/7 (giờ Việt Nam), số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ đã ở mức trên 130.000 người, cụ thể đang là 130.248 người. Trong khi đó, số ca mắc bệnh là 2.931.142 người.
Theo trang mạng trên, Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với 3.291.786 ca nhiễm và 136.671 ca tử vong. Trong khi đó, thống kê của Đại học John Hopkins, Mỹ, cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 63.643 ca mắc và 774 ca tử vong.
Xếp sau Mỹ là Brazil khi Bộ Y tế nước này thông báo trong 24h qua nước này ghi nhận thêm 45.000 ca mắc và 1.200 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 1,8 triệu ca và 70.400 ca. Với 822.603 ca nhiễm và 22.144 ca tử vong, Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ tám về số ca tử vong. Anh là nước có số ca tử vong cao thứ ba thế giới với 44.650 ca song số ca nhiễm xếp thứ 9 với 288.133 ca.
Tại châu Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đánh giá diễn biến dịch COVID-19 tại Mexico cực kỳ phức tạp, với số ca bệnh và tử vong tiếp tục tăng mạnh, trong khi khủng hoảng do đại dịch tác động ngày càng sâu sắc lên các lĩnh vực kinh tế và xã hội. WHO và PAHO cảnh báo dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm tại Mexico và khuyến cáo chính phủ nước này cần triển khai các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với dịch bệnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Marcelo Ebrard thông báo Mexico và Mỹ đang nghiên cứu khả năng kéo dài lệnh hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung tới tháng 8/2020. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận 289.174 ca bệnh, trong đó có 34.191 ca tử vong, tăng hơn 300% cả về số ca bệnh và ca tử vong từ ngày 1/6, thời điểm chính phủ Mexico dỡ bỏ giãn cách xã hội và từng bước mở cửa lại nền kinh tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tarek El Aissami ngày 10/7 xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-Cov-2, và bắt đầu thực hiện chế độ tự cách ly. Thông tin ông El Aissami mắc COVID-19 được xác nhận chỉ 1 ngày sau khi Chủ tịch Quốc hội lập hiến (ANC) của Venezuela, ông Diosdado Cabello cũng thông báo kết quả dương tính sau khi thực hiện xét nghiệm theo lời khuyên của Tổng thống Nicolás Maduro.
Tại châu Âu, việc tiếp tục xuất hiện những ổ dịch mới và vẫn còn 5 vùng có chỉ số RT (chỉ số lây nhiễm sau khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan) trên 1 đã khiến Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 10/7 cho biết tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 là công cụ hữu ích để kiểm soát virus SAR-CoV2, do đó việc duy trì tình trạng khẩn cấp là cần thiết và có thể tiếp tục kéo dài sau ngày 31/7. Tính đến ngày 10/7, tổng số ca mắc tại nước này là 242.639 ca, trong đó, số ca tử vong là 34.938 trường hợp và số ca bình phục là 194.273 trường hợp.
Với 25 ca mắc mới ghi nhận trong 24h qua, số ca tử vong tại Pháp tính tới ngày 10/7 đã tăng lên 30.004 ca, trong khi số bệnh nhân nhập viện hoặc phải chăm sóc đặc biệt tiếp tục giảm. Hiện có 7.062 người phải nhập viện điều trị, thấp hơn 115 ca so với ngày 9/7. Hiện nước Pháp có tổng cộng 170.752 ca nhiễm, trong khi số bệnh nhân phục hồi là 78.388 ca.
Tại Trung Đông, tổng số ca mắc tại Iran, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Trung Đông, đã vượt 252.000 ca, trong khi con số này ở Saudi Arabia là hơn 226.000 ca. Dịch COVID-19 cũng đã khiến 12.447 người tử vong tại Iran và 2.151 người không qua khỏi ở Saudi Arabia.
Ai Cập ngày 10/7 ghi nhận thêm 981 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 80.235 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 85 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 3.702 ca. Quốc gia Bắc Phi này đã dỡ bỏ một phần lệnh giới nghiêm ban đêm được áp đặt trong 3 tháng qua, và cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng, quán cà phê, nhà hát và rạp chiếu phim, cũng như khách sạn, bảo tàng....Thủ đô Cairo cũng đã nối lại các chuyến bay quốc tế từ ngày 1/7 sau hơn 3 tháng gián đoạn.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ngày 10/7 đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới và tất cả đều là ca "nhập khẩu". Tính đến ngày 10/7, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 83.587 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân hồi phục và xuất viện là 78.623 người.
Phương Oanh/TTXVN