(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang mạng thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 7/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 11,7 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó hơn 540.000 người đã tử vong. Tổng số bệnh nhân phục hồi là hơn 6,62 triệu người trong khi số ca đang được điều trị là hơn 4,56 triệu người.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), Tiến sĩ Anthony Fauci ngày 2/7 cho biết việc nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine kháng COVID-19 sẽ tiến tới giai đoạn cuối trong tháng 7.
Mỹ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với hơn 3 triệu ca mắc và hơn 132.000 ca tử vong. Số ca mắc bệnh tại Mỹ gia tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây sau khi các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng. Nhiều bang có số ca mắc mới tăng mạnh đã buộc phải trì hoãn các kế hoạch mở cửa, trong khi một số bang kiểm soát dịch bệnh tốt vẫn thận trọng nối lại các hoạt động.
Từ ngày 6/7, thành phố New York, từng là tâm dịch của Mỹ, đã chính thức triển khai giai đoạn 3 trong kế hoạch mở cửa trở lại. Theo đó, các dịch vụ chăm sóc và làm móng tay, chân, chăm sóc da và làm đẹp cũng như nhiều môn thể thao bắt đầu được nối lại, thêm khoảng 50.000 người trở lại làm việc.
Tuy nhiên, hạng mục "cho phép khách ăn trong nhà hàng" theo tiêu chí ban đầu giới chức bang New York đặt ra cho giai đoạn 3 phải tạm hoãn thực hiện trước tình hình dịch COVID-19 ở một số bang khác của Mỹ vẫn diễn biến phức tạp với số ca tăng nhanh. Người dân được yêu cầu tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, các dịch vụ chỉ được phép phục vụ 50% khách trong cùng một thời điểm.
Giới chức New York cũng quy định bất kỳ ai từ các bang đang có dịch COVID-19 tới New York đều phải cách ly 14 ngày. Kế hoạch của bang là mở cửa lại nền kinh tế theo 4 giai đoạn. Theo dự kiến, nếu giai đoạn 3 mở cửa suôn sẻ, giai đoạn 4 sẽ bắt đầu sau đó khoảng một tháng rưỡi.
Tiếp sau Mỹ là Brazil với hơn 1,62 triệu ca mắc và hơn 65.556 ca tử vong. Đây cũng là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Nam Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh tại khu vực còn diễn biến khó lường. Trong một ngày qua, nước này ghi nhận thêm 20.229 ca nhiễm mới. Truyền thông địa phương đưa tin Tổng thống Jair Bolsonaro đã có dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 gây và đã được lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, Tổng thống Bolsonaro bị sốt 38 độ C và cũng đã phải hủy chương trình làm việc từ nay cho tới cuối tuần.
Trong khi đó, Bộ Y tế Peru thông báo kể từ khi bùng phát dịch bệnh, nước này đã thực hiện được hơn 1,8 triệu xét nghiệm y tế và là một trong những nước có số lượng xét nghiệm nhiều nhất ở khu vực Mỹ Latinh. Hiện đã có 305.703 người được xác định mắc COVID-19 tại Peru, trong đó có 10.772 trường hợp tử vong, đứng thứ hai ở Mỹ Latinh sau Brazil và thứ 5 trên thế giới về số ca mắc bệnh.
Tại châu Phi, trong một ngày, Nam Phi ghi nhận thêm 173 ca tử vong do dịch bệnh, mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch xuất hiện tại quốc gia này hồi đầu tháng 3. Hiện tổng số ca tử vong tại nước này là 3.199 ca. Trong khi đó, số ca mắc tại nước này hiện là 196.750 ca, với 8.773 ca mới được ghi nhận.
Bất chấp số ca nhiễm và tử vong gia tăng, Nam Phi đã bắt đầu bước vào giai đoạn 2 của lộ trình mở cửa trường học, khi hàng nghìn học sinh bắt đầu quay trở lại trường trong ngày 6/7 sau gần 4 tháng trường học đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan. Trong giai đoạn này, các học sinh từ lớp 6 và lớp 11 quay trở lại học tập. Tháng trước, nhóm học sinh lớp 7 và lớp 12 đã trở lại trường học.
Kenya cũng thông báo kế hoạch mở cửa đất nước theo từng giai đoạn sau khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, qua đó dỡ bỏ các quy định hạn chế ra vào thủ đô Nairobi, hạt Mombasa và hạt Mandera. Các chuyến bay thương mại quốc tế sẽ được nối lại từ ngày 1/8 tới, trong khi các chuyến bay nội địa dự kiến sẽ được khôi phục từ ngày 15/7.
Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 21h tới 4h sáng hôm sau được gia hạn thêm 30 ngày và không loại trừ khả năngtái áp đặt lệnh phong tỏa nếu tình hình dịch bệnh xấu đi trong vài tuần tới. Tính tới ngày 6/7, Kenya đã ghi nhận gần 7.900 ca mắc, với 160 ca tử vong.
Tại Iran, Bộ Y tế nước này cùng ngày 6/7 thông báo ghi nhận 2.613 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 243.051 ca. Cho tới nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 11.731 người tại Iran, tăng 160 người trong 24 giờ. Giới chức y tế Iran yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà như một biện pháp hiệu quả nhằm tránh lây nhiễm.
Ở Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia đã chuẩn bị 4 trung tâm cách ly cho công dân về nước và thêm 10 khách sạn cho khách nước ngoài tới nước này. Theo dự kiến của bộ trên, trong thời gian tới sẽ có khoảng 500 người nhập cảnh Campuchia mỗi ngày. Ngoài ra, Bộ Y tế Campuchia đã chuẩn bị kế hoạch tăng số lượng các cơ sở xét nghiệm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 3 tỉnh Siem Reap, Battambang và Kampong Cham.
Trong khi đó, tại Philippines, nhà chức trách nước này cùng ngày cho biết một trong những tuyến đường tàu điện ngầm ở thủ đô Manila sẽ ngừng hoạt động trong ít nhất 5 ngày kể từ ngày 7/7 do 186 nhân viên phục vụ tuyến này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Chính quyền đảo Bali của Indonesia thông báo cho phép khách du lịch nước ngoài quay trở lại hòn đảo này vào tháng 9 tới cho dù số ca mắc COVID-19 tại đây vẫn đang tiếp tục tăng lên. Theo thống đốc đảo Bali Wayan Koster, hòn đảo này sẽ mở cửa trở lại các bãi biển, các khu đền và những điểm du lịch khác cho khách du lịch trong nước vào cuối tháng 7 tới và đón du khách nước ngoài kể từ ngày 11/9.
Lê Ánh/TTXVN