(Thethaovanhoa.vn) - Việc một số nước bắt đầu cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 cùng với những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Trung giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump là hai sự kiện nổi bật trong tuần.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 4/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 65.733.549 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 đã lên tới hơn 1.515.516 ca. Số bệnh nhân được chữa khỏi bệnh trên toàn cầu là 45.565.308 người. Hiện còn hơn 18.652.409 người đang phải điều trị.
Ngày 2/12, Anh trở thành nước đầu tiên phê duyệt lưu hành vaccine ngừa COVID-19 do liên danh Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế. Quyết định được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Y tế của Anh (MHRA) đồng ý cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp với sản phẩm này. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết các bệnh viện tại Anh đã sẵn sàng tiếp nhận vaccine và Anh sẽ khởi động chương trình tiêm vaccine ngay đầu tuần tới.
Đến ngày 4/12, Bahrain là nước thứ hai thông qua quyết định cấp phép tương tự đối với vaccine của Pfizer/BioNTech.
Pfizer/BioNTech được xem là người cán đích đầu tiên trong cuộc đua vaccine, khi kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối được công bố hôm 18/11 cho thấy vaccine do liên danh này nghiên cứu phát triển đạt hiệu quả lên đến 95%.
Quá trình cấp phép lưu thông được đánh giá là dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến chống COVID-19. Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla, khẳng định cấp phép lưu thông vaccine là mục tiêu mà hãng theo đuổi kể từ khi tuyên bố “khoa học sẽ chiến thắng đại dịch”. Ông cũng hoan nghênh MHRA đã đánh giá vaccine kỹ càng và hành động kịp thời để bảo vệ người dân Anh.
Sẽ tiếp tục có thêm tin vui về cấp phép lưu hành vaccine trong thời gian tới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đánh giá về khả năng cấp phép sử dụng khẩn cấp đối vaccine Pfizer/BioNTech, mở đường giúp các nước xác lập tiêu chuẩn cho phép sử dụng vaccine này trên phạm vi toàn quốc.
Tại châu Âu, Cơ quan Y tế Liên minh châu Âu (EMA) dự kiến sẽ xem xét cấp phép lưu thông vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna lần lượt vào ngày 29/12 và 12/1/2021. Trung tuần tháng 12 này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nhiều khả năng cũng sẽ cấp chứng nhận sử dụng trong tình trạng khẩn cấp vào giữa tháng này.
Tuy nhiên, khi vaccine bước vào giai đoạn lưu thông trên thị trường cũng là lúc đặt ra vấn đề khả năng tiếp cận bình đẳng vaccine giữa các nước. Theo thống kê, nhóm các nước giàu đã đặt mua hết khoảng 80% nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 được các hãng dược cho ra thị trường trong thời gian tới, đặt các nước đang phát triển vào thế khó, phải chạy đua để có chỗ đứng trong khoảng 18%-20% thị phần còn lại.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir tại phiên họp đặc biệt về ứng phó với đại dịch COVID-19 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 hôm 3/12 khẳng định đại dịch cho thấy những bất bình đẳng về cơ cấu và những trở ngại đối với việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.
Theo ông Bozkir, để ngăn ngừa hiệu quả COVID-19, cần phải bảo đảm yêu cầu vaccine ngừa bệnh sẽ được tiếp cận công bằng và bình đẳng; đẩy nhanh nỗ lực điều phối, phối hợp để bảo vệ những nước dễ bị bị tổn thương nhất.
Chính quyền Donald Trump tăng "trừng phạt phút chót" với Trung Quốc
Quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục leo thang căng thẳng trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Trump. Trên mặt trận ngoại giao, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe trong bài xã luận đăng trên tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall) ngày 3/12 khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ ngày nay và là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ và tự do trên toàn thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông cáo buộc Bắc Kinh có ý định thống trị thế giới về cả kinh tế, quân sự và công nghệ.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/12 cũng ra thông báo chấm dứt 5 chương trình trao đổi giữa nước này và Trung Quốc do Trung Quốc tài trợ, được triển khai theo Luật MECEA của Mỹ. Luật này cho phép các nhân viên chính phủ Mỹ tham gia các chương trình trao đổi sử dụng vốn tài trợ của chính phủ nước ngoài. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng những chương trình này chỉ gắn mác là "các chương trình trao đổi văn hóa" nhưng thực chất không mang lại lợi ích song phương.
Trừng phạt của Mỹ chống Trung Quốc lan sang cả lĩnh vực kinh tế-thương mại. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/12 bổ sung Tập đoàn Dầu khí Hải dương (CNOOC) và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm những doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc bị quân đội Trung Quốc kiểm soát.
Chỉ trước đó một ngày, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết đã ra lệnh cấm nhập khẩu bông từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), nơi bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức và có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định căng thẳng Mỹ-Trung có thể sẽ còn xấu đi trong 7 tuần cuối cùng của ông Trump tại Nhà Trắng, khiến ông Joe Biden một khi lên nắm quyền không còn nhiều lựa chọn và buộc phải tiếp nối chiến lược cứng rắn với Trung Quốc. Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch hãng tư vấn HIS Markit cảnh báo động thái trừng phạt mới của Mỹ đẩy nhanh tiến trình phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Tình hình đáng báo động. Chúng ta đang chứng kiến đối đầu vòng xoáy, không còn chỗ để nói đến can dự, điều phối hay quan hệ mang tính hợp tác. Đó là cạnh tranh quyền lực, canh tranh chiến lược giữa hai siêu cường. Quan hệ Mỹ-Trung sẽ là nan đề chính trị lớn nhất mà ông Joe Biden sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới đây”, ông Dan Yergin bình luận.
Hoài Thanh/Báo Tin tức