(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 6/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 236,56 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4,83 triệu người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 213,68 triệu người.
Ngày 5/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, dù có nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến này sắp đi tới hồi kết.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 405.166 ca mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 91.980 ca, tiếp theo là Anh 33.869 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 29.802 ca, Nga 25.110 ca,...
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Mỹ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất với 44,77 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 724.600 ca tử vong. Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 33,87 triệu ca, trong đó có gần 450.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,50 triệu ca nhiễm và gần 599.000 ca tử vong.
Phát biểu trong buổi thảo luận trực tuyến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, cho biết cơ quan này đã ghi nhận có 3,1 triệu ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua và 54.000 trường hợp thiệt mạng, dù con số thực tế có thể cao hơn. Do vậy, WHO cảnh báo rằng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
Theo bà Van Kerkhove, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn khá khó lường, do chưa thể kiểm soát hoàn toàn sự lây lan của SARS-CoV-2. Bà cũng bày tỏ quan ngại việc tại một số thành phố, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện vẫn chật kín người nhưng trên phố, người ta ứng xử như thể đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt". Theo bà Van Kerkhove, do cách thức thế giới xử lí khủng hoảng, COVID-19 sẽ không bị loại trừ và vẫn sẽ tồn tại dai dẳng.
Dịch COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,83 triệu người. Bà Van Kerkhove cho rằng số ca tử vong hiện nay chủ yếu ở nhóm đối tượng chưa tiêm chủng vaccine. Bà cũng kêu gọi chống những thông tin giả và sai lệch đang lan tràn trên mạng Internet về COVID-19. Bên cạnh đó, bà Van Kerkhove cho biết WHO sẽ tiến hành thảo luận về hiện trạng của đại dịch trong thời gian từ 3-18 tháng tới. Bà bày tỏ tin tưởng thế giới cuối cùng sẽ kiểm soát được dịch bệnh này.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã cảnh báo về làn sóng tử vong vì COVID-19 mới tại châu Âu. Theo ECDC, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp tại châu Âu sẽ chứng kiến “sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19, số ca nhập viện và tỷ lệ tử vong trong hai tháng tới ... do sự lây lan virus SARS-Cov-2 tại châu Âu rất cao”.
ECDC cho biết thêm, ngay cả những người đã được tiêm chủng phòng COVID-19 vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh và chuyên bệnh nặng.
Theo ECDC, chỉ 61% tổng dân số EU là đã được tiêm chủng, và tỷ lệ này còn thấp ở khu vực Đông và Nam Âu.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 5/10 cho biết đang cân nhắc khả năng triển khai quy trình đánh giá nhanh về một loại thuốc điều trị COVID-19 thử nghiệm mới. Nếu được thông qua, đây sẽ là loại thuốc kháng virus dạng viên uống đầu tiên được sử dụng trong hoạt động điều trị COVID-19.
Phát biểu tại một buổi họp báo thường kỳ, ông Marco Cavaleri - người đứng đầu bộ phận chiến lược vaccine của EMA thông báo ủy ban cố vấn của cơ quan này có thể khởi động “quy trình gấp rút” - một thủ tục được đẩy nhanh, nhờ đó dữ liệu được đánh giá ngay khi được cung cấp - trong vòng vài ngày tới.
Loại thuốc trên, có tên là molnupiravir, do Merck & Co - một công ty đa quốc gia của Mỹ - sản xuất. Merck & Co khẳng định molnupiravir có khả năng hạ thấp khoảng 50% tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong trong số những trường hợp có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.
Hồi tuần trước, Merck & Co tuyên bố sẽ tìm cách thúc đẩy Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp molnupiravir một cách sớm nhất có thể, đồng thời cho hay giai đoạn thử nghiệm đã hoàn thành sớm do những kết quả tích cực mà loại thuốc này đem lại. Merck & Co đang lên kế hoạch đăng ký tiếp thị molnupiravir với các cơ quan quản lý khác trên toàn thế giới.
Lan Phương/TTXVN