(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 5/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 184.547.730 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.993.056 ca tử vong.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ ngày 4/7 đến 6 giờ ngày 5/7, Việt Nam có thêm 328 ca mắc COVID-19.
Hiện vẫn còn hơn 11.660.769 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, 168.893.905 người đã hồi phục và xuất viện.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 325.245 ca mắc mới và 5.877 ca tử vong. Châu Á là khu vực ghi nhận số ca mắc mới và tử vong nhiều nhất, với 146.190 ca và 2.313 ca. Tại khu vực này, Ấn Độ và Indonesia tiếp tục là điểm nóng, ghi nhận số ca mắc mới lần lượt là 40.387 ca và 27.233 ca.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Cuba thông báo nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao nhất. Cụ thể, đảo quốc Caribe này có thêm 3.519 ca mắc mới và 14 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Người đứng đầu Cơ quan dịch tễ thuộc Bộ Y tế Cuba, ông Francisco Duran, cho biết với con số trên, cho tới này Cuba đã ghi nhận tổng cộng 204.247 ca bệnh, trong đó có 1.351 ca tử vong. Tỉnh Matanzas tiếp tục là tâm dịch tại nước này với tỷ lệ mắc 1.051 ca /100.000 dân.
Chính phủ Cuba đã triển khai nhiều biện pháp mới nhằm kiềm chế số ca mắc mới tăng, trong đó có việc tăng cường giám sát dịch tễ, áp đặt các quy định kiểm soát dịch và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng với các loại vaccine tiềm năng gồm Abdala, Soberana-02 và Soberana Plus. Cuba đã phân bổ 6,57 triệu liều vaccine Soberana-02 và vaccine Abdala và hơn 2,83 triệu người dân đảo quốc này được tiêm ít nhất 1 mũi.
Liên quan vấn đề vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế Israel dự định đưa ra khuyến cáo những người có hệ miễn dịch kém nên tiêm mũi vaccine thứ 3 của Pfizer. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế Israel, 2 liều vaccine ngừa COVID-19 không thể tạo ra đầy đủ kháng thể cho những người có hệ miễn dịch yếu. Chủ trương này cũng sẽ giúp Israel tiêu thụ bớt số vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer nằm trong lô chuẩn bị hết hạn vào cuối tháng 7.
Israel dự kiến sẽ triển khai một số biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch, chủ yếu là do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh. Số liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy hơn 90% trong số gần 2.500 bệnh nhân COVID-19 hiện nay ở nước này nhiễm biến thể Delta, so với tỷ lệ 60% tại thời điểm 2 tuần trước đó.
Tại Canada, sau gần 16 tháng siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, nước này đang bắt đầu nới lỏng các quy định, nhưng chỉ dành cho một số ít đối tượng cụ thể. Cụ thể, kể từ ngày 5/7, các công dân Canada và thường trú nhân của quốc gia Bắc Mỹ này, nếu đã tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine ngừa COVID-19 được chấp thuận sử dụng ở Canada, sẽ có thể không phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh. Hành khách đủ điều kiện nhập cảnh, khi vào Canada qua đường hàng không cũng sẽ được miễn thực hiện quy định cách ly trong 3 ngày đầu tiên tại một khách sạn được chính phủ phê duyệt.
Trước khi khởi hành, hành khách phải sử dụng ứng dụng ArriveCAN hoặc truy cập qua trang web của chính phủ liên bang “canada.ca” để khai báo thông tin tiêm chủng, cũng như kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 72 giờ. Hành khách phải sử dụng phiên bản mới nhất của ứng dụng này, vốn sẽ được cập nhật khi các quy định thay đổi.
Các quy định hạn chế đi lại giữa Canada và Mỹ - cấm mọi hoạt động đi lại không thiết yếu giữa hai nước, song vẫn duy trì dòng chảy thương mại, cũng như cho phép các sinh viên quốc tế và lao động trong lĩnh vực thiết yếu nhập cảnh- sẽ có hiệu lực đến ngày 21/7.
Chính phủ Canada đang khởi động giai đoạn 1 của phương pháp tiếp cận theo nhiều giai đoạn để dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại. Tuy nhiên, Ottawa nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ diễn ra theo từng bước, dựa trên dữ liệu khoa học, chứ không phải dựa trên những yêu cầu của người dân về việc mở cửa trở lại biên giới.
Tại thời điểm hiện nay, chỉ những người đã tiêm các loại vaccine ngừa COVID-19 được Bộ Y tế Canada chấp thuận - gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson - mới được phép bỏ qua giai đoạn cách ly 14 ngày. Ottawa có thể sẽ xem xét phê duyệt thêm các loại vaccine ngừa COVID-19 khác trong thời gian tới.
Tính đến ngày 3/7, ít nhất 12.817.290 người tại Canada, tương đương 33,7% dân số, đã được tiêm phòng đầy đủ. Kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát đến nay, Canada đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có khoảng 26.300 người tử vong.
Thanh Hương/TTXVN