(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 19/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 164.878.300 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.418.013 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 143.800.403 người và hiện 17.659.884 ca đang được điều trị.
Ngày 18/5, thế giới ghi nhận hơn 4,8 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 317.000 ca tử vong vì dịch bệnh.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 601.308 ca tử vong trong tổng số 33.773.712 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 25.227.970 ca mắc và 278.751 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 15.661.106 ca nhiễm và 436.862 bệnh nhân không qua khỏi.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 538.700 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (263.045 ca), tiếp đến Brazil (33.631 ca), Argentina (28.680 ca), Mỹ (25.030 ca), Iran (14.319 ca), Colombia (12.984 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (10.174ca),...
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo quốc gia Đông Nam Á này đã phát hiện 26 ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, Ấn Độ và Nam Phi. Ông lưu ý các thành viên Lực lượng Đặc nhiệm phòng chống COVID-19 và đội ngũ quan chức y tế địa phương rằng các biến thể có tốc độ lây lan rất nhanh, đòi hỏi tăng cường xét nghiệm và truy vết theo cấp số nhân nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng đột biến các ca lây nhiễm.
Cho đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 75,9 triệu liều vaccine, trong đó có 68,5 triệu liều vaccine Sinovac, 6,4 triệu liều vaccine AstraZeneca được tiếp nhận thông qua cơ chế COVAX, 500.000 liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Trung Quốc và 500.000 liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dành cho chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong.
Ngoài ra, chính phủ đã mua một số loại vaccine thông qua các kênh song phương dành cho chương trình tiêm chủng quốc gia, cụ thể là AstraZeneca, Novavax và Pfizer/BioNTech. Số vaccine này dự kiến sẽ được bàn giao dần trong năm nay.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mexico thông báo giới chức nước này và Mỹ đang thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới đường bộ chung từ ngày 22/6 tới. Theo bộ trên, quy định hạn chế các hoạt động đi lại không cần thiết qua biên giới đường bộ với Mỹ sẽ có hiệu lực tới ngày 21/6 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Quy định này đã áp đặt quy định này từ tháng 3/2020.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 triệu lượt công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD/ngày.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) - cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đang sản xuất vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca và Novavax - thông báo cơ sở này có thể sẽ bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước cuối năm nay.
Tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, SII nhấn mạnh đã bàn giao được hơn 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, mặc dù được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau các công ty dược phẩm của Mỹ 2 tháng.
Cùng ngày, Tổ chức Thể thao liên Mỹ - đơn vị đại diện cho ủy ban thể thao Olympic quốc gia của 42 nước châu Mỹ - thông báo sẽ cung cấp 4.000 liều vaccine ngừa COVID-19 cho các vận động viên và quan chức tham dự Olympic Tokyo trong năm nay.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo khoản đầu tư gần 200 triệu CAD (khoảng 166 triệu USD) cho một nhà máy tại Ontario có khả năng sản xuất hàng triệu liều vaccine mRNA phòng COVID-19. Khoản đầu tư này dành cho Resilience Biotechnologies, một chi nhánh của hãng dược National Resilience (Mỹ), sẽ giúp Canada giảm phụ thuộc vào vaccine sản xuất ở nước ngoài.
Thanh Hương/TTXVN