(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ các nhà khoa học, những người yêu thích thiên văn đang ngóng chờ lần xuất hiện nguyệt thực cuối cùng trong "tứ kỳ huyết nguyệt" sẽ diễn ra vào đêm 27/9, rạng sáng 28/9.
Theo các nhà thiên văn học, hiện tượng “Mặt trăng máu” thực chất chỉ là Nguyệt thực toàn phần. Lúc đó, Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng. Mặt Trăng sẽ bị bóng của trái đất che phủ hoàn toàn khiến cho Mặt Trời không thể chiếu trực tiếp vào nó. Lúc này, Mặt Trăng sẽ thay đổi nhiều màu sắc khác nhau do hiện tượng tán xạ.
Đồ họa "Siêu Trăng" hay "Mặt Trăng máu". Ảnh: TTXVN
Do đó ta thấy Mặt Trăng có màu đỏ khi diễn ra Nguyệt thực – đó chính là “Mặt trăng máu”. Mặt trăng sẽ tiếp tục thay đổi những sắc thái khác nhau trong suốt các giai đoạn diễn ra của Nguyệt thực, bắt đầu từ màu xám đen tới màu đỏ đồng và có thể cả màu hổ phách.
Độ rực rỡ của màu đỏ này chịu ảnh hưởng bởi mật độ bụi, và hơi nước của bầu khi quyển Trái Đất vào thời điểm diễn ra Nguyệt thực.
Hiện tượng "tứ kỳ huyết nguyệt" của năm 2014 - 2015 (có thể hiểu là "Mặt Trăng máu" xảy ra 4 lần liên tiếp) diễn ra lần đầu tiên vào 15/4 năm ngoái, lần thứ hai vào ngày 8/10 năm ngoái và lần thứ ba vào ngày 4/4 năm nay - mỗi lần cách nhau 6 tháng. Việc "Mặt Trăng máu" xảy ra 4 lần, cách nhau đều như vậy chỉ mới được vài lần ít ỏi trong suốt 2.000 năm qua.
Thiên Phong (tổng hợp)/ Ảnh: TTXVN