(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 30/12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 82.283.576 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.795.046 ca tử vong. Hơn 58,309 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 22,17 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
Ngày 29/12, giới chức y tế Đức cho biết VUI-202012/01 - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được công bố tại Anh vào đầu tháng này, đã xuất hiện ở Đức từ tháng trước.
Tại Đông Nam Á, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này sẽ có đủ vaccine ngừa COVID-19 cho 181,5 triệu người trong năm 2021, với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng và phá vỡ chuỗi lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh. Hiện Chính phủ Indonesia đã mua được 125 triệu liều vaccine của công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Sinovac Biotech, 130 triệu liều của công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ. Bên cạnh đó, Indonesia đang đàm phán mua 100 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và 100 triệu liều của công ty Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức). Trong khi đó, Indonesia cũng hợp tác để có khoảng 16 triệu -100 triệu liều vaccine từ Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX - chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.
Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết nước này có thể có đủ vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho người dân vào mùa Hè tới nếu một trong 3 loại vaccine của Johnson & Johnson, AstraZeneca hay CureVac được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng. Theo ông Spahn, nếu có thêm 1 hoặc 2 loại vaccine được phê chuẩn, Đức sẽ có thể có đủ vaccine cho những người muốn tiêm vào mùa Hè tới. Hiện vaccine của BioNTech/Pfizer là vaccine phòng COVID-19 duy nhất được EU cấp phép. Trong khi đó, công ty Moderna của Mỹ cũng kỳ vọng có thể nhận được giấy phép của EU cho loại vaccine của công ty này vào giữa tháng 1/2021.
Cuối tuần qua, Đức bắt đầu tiên chủng vaccine của công ty BioNTech/Pfizer cho nhóm đối tượng ưu tiên số 1 là những người cao tuổi. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt và dự kiến các biện pháp này sẽ được kéo dài sau ngày 10/1 tới nếu số ca nhiễm mới không giảm. Theo thống kê của các cơ quan y tế, ngày 28/12, Đức đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ đầu dịch, với trên 1.000 trường hợp. Trong ngày cũng ghi nhận có thêm 17.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 1.680.600 ca, với 31.676 ca tử vong. Hiện cả nước Đức còn khoảng 360.300 người nhiễm bệnh.
Tại Anh, Bộ Quốc phòng cho biết các lực lượng vũ trang sẽ được triển khai để hỗ trợ từ xa việc xét nghiệm hàng loạt cho học sinh trường cấp II ở England và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ trực tiếp nếu cần. Theo bộ trên, 1.500 quân nhân sẽ tiến hành hội thảo trực tuyến và trả lời điện thoại của nhân viên trường học về việc lập các điểm xét nghiệm hàng loạt cho học sinh trong bối cảnh năm học mới sẽ bắt đầu vào tuần tới. Trước đó, quân đội đã giúp tổ chức xét nghiệm hàng loạt ở Liverpool và gần đây là tại Kent để giải quyết tình trạng ùn ứ xe tải sau khi Pháp đóng cửa biên giới với Anh do lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn giáo dục cho rằng các trường học không có đủ thời gian để lên kế hoạch và một số hiệu trưởng kêu gọi chính phủ lùi thời điểm bắt đầu năm học mới.
Các nhà khoa học Anh đang khẩn trương điều tra tin đồn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn ở trẻ em. Các nghiên cứu ban đầu của trường Đại học Dịch tễ và dược phẩm nhiệt đới London cho thấy việc đóng cửa trường học nên là yêu cầu hàng đầu trong các biện pháp hạn chế 4 cấp hiện nay để kiểm soát biến thể mới.
Ngày 28/12, Anh ghi nhận 41.358 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày có số ca nhiễm cao nhất kể từ đầu mùa dịch.
Tại châu Mỹ, Argentina đã khởi động chiến dịch tiêm đại trà vaccine Sputnik V của Nga, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ sử dụng vaccine này để ngừa bệnh viêm COVID-19. Argentina cũng là nước thứ 4 ở Nam Mỹ tiến hành tiêm chủng đại trà, sau Mexico, Costa Rica và Chile. Bộ trưởng Y tế Gines Gonzalez Garcia cho biết việc tiêm chủng được bắt đầu đồng thời trên khắp cả nước và các nhân viên y tế là những người được ưu tiên. Dự kiến cần vài tháng để vaccine phát huy hiệu quả trên diện rộng. Trước đó, 300.000 liều vaccine Sputnik V đã được chuyển đến Argentina vào ngày Giáng Sinh và 19,7 triệu liều sẽ được giao trong hai tháng đầu năm 2021. Ngoài ra, Argentina cũng đã ký một thỏa thuận mua vaccine của Đại học Oxford và công ty AstraZeneca phối hợp sản xuất, đồng thời đang thương lượng mua vaccine của Pfizer/BioNTech.
Giới chức y tế bang Colorado (Mỹ) đã xác nhận ca đầu tiên tại Mỹ nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tên gọi là VUI-202012/01 được phát hiện tại Anh. Cơ quan chức năng bang Colorado đã xác nhận và thông báo cho Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) về trường hợp lây nhiễm này. Theo đó, bệnh nhân là nam giới, khoảng 20 tuổi và hiện đang được cách ly tại hạt Elbert của bang Colorado.
Sự xuất hiện biến thể VUI-202012/01 của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng gốc đang là thách thức lớn đối với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại Anh nói riêng và thế giới nói chung. Anh đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch tại những khu vực rộng lớn ở vùng England. Do lo ngại nguy cơ lây lan của biến thể virus, nhiều nước đã tạm dừng tiếp nhận các chuyến bay từ Anh. Tại Mỹ, lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng đã họp thảo luận khả năng tạm ngừng các chuyến bay đến từ Anh, nhưng chưa công bố quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, các hãng hàng không Mỹ đã giảm đáng kể số chuyến bay tới Anh, cũng như tới phần còn lại của châu Âu.
Chile cho biết nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus được phát hiện tại Anh nhập cảnh nước này. Ca nhiễm biến thể mới là một phụ nữ mang quốc tịch Chile nhập cảnh qua cửa khẩu hàng không quốc tế tại Santiago và sau đó di chuyển tới phía Nam của quốc gia Nam Mỹ này. Giới chức y tế Chile đã quyết định kể từ ngày 31/12 tất cả hành khách là công dân Chile và người nước ngoài định cư tại Chile sẽ bắt buộc phải thực hiện cách ly 10 ngày sau khi nhập cảnh. Chile mới mở cửa biên giới trở lại hồi giữa tháng 11 sau gần 8 tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới COVID-19 tại Chile có dấu hiệu gia tăng và đến nay nước này đã ghi nhận 603.986 ca mắc bệnh, trong đó có 16.488 trường hợp tử vong.
Lê Ánh - TTXVN