(Thethaovanhoa.vn) - Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Tết Thanh minh 2019 vào ngày mùng 1 tháng 3 Âm lịch tức ngày 5/4/2019 Dương lịch.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, người lao động được nghỉ 3 ngày và kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Tiết Thanh minh là gì?
Theo nghĩa Hán - Việt, "thanh" là khí trong, còn "minh" là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh minh.
Vào tiết Thanh minh người dân thường đi tảo mộ, cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất.
Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết bao gồm: Tiết Lập Xuân, Tiết Vũ Thủy, Tiết Kinh Trập, Tiết Xuân Phân, Tiết Thanh Minh, Tiết Cốc Vũ, Tiết Lập Hạ, Tiết Tiểu Mãn, Tiết Mang Chủng, Tiết Hạ Chí, Tiết Tiểu Thử, Tiết Đại Thử, Tiết Lập Thu, Tiết Xử Thử, Tiết Bạch Lộ, Tiết Thu Phân,Tiết Hàn Lộ, Tiết Sương Giáng, Tiết Lập Đông, Tiết Tiểu Tuyết, Tiết Đông Chí, Tiết Tiểu Hàn, Tiết Đại Hàn.
Tết Thanh minh năm 2019 vào ngày nào?
Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Ngày đầu tiên của tiết này được gọi là Tết Thanh minh.
Năm 2019 ngày Lập xuân rơi trúng vào ngày mùng 1 Tết nguyên đán Kỷ Hợi.
Tiết Thanh minh năm 2019 bắt đầu từ ngày 5/4 Dương lịch tức 1/3 Âm lịch và kết thúc vào khoảng ngày 20/4 khi tiết Cốc vũ bắt đầu.
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.... Khác với Tết Thanh minh 2018 vào tháng 2 Âm lịch thì Tết Thanh minh 2019 thực sự rơi vào ngày mùng 1 tháng 3 Âm lịch vậy.
Tiết thanh minh và Tết thanh minh có giống nhau không?
Trong tiềm thức người Việt, thanh minh là một trong những ngày lễ quan trọng, chứa đựng giá trị tinh thần văn hóa sâu sắc. Nhưng để gọi sao cho đúng với tên gọi của ngày Thanh minh thì vẫn còn những tranh luận chưa đến hồi kết.
Theo quy ước, Tiết thanh minh bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 dương lịch (tức vào khoảng tháng 3 âm lịch).
Tiết thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí của lịch pháp cổ đại. Thời gian này là khoảng giao mùa giữa Xuân và Hạ nên thời tiết ấm áp, bầu trời trong xanh, thích hợp cho sự phát triển của động thực vật.
Còn Tết thanh minh là một ngày trong Tiết thanh minh và mỗi năm có sự xê dịch khác nhau.
Theo lịch Vạn niên 2017, Tết thanh minh sẽ được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch (tức 4/4 dương lịch). Đây là dịp để mỗi gia đình Việt bày tỏ sự biết ơn, lòng hiểu thảo với tổ tiên, dòng họ qua lễ tảo mộ.
Trong lễ tảo mộ, mọi người sắm sửa hương hoa lễ vật dâng lên mộ những người thân đã khuất. Công việc của con cháu là cắt cỏ, dọn dẹp cho quang quẻ phần mộ của gia tiên. Ngoài ra còn thắp những nén hương cho các phần mộ xung quanh để thể hiện sự quan tâm và sẻ chia với cộng đồng.
Tết thanh minh tuy không phải là tết lớn của dân tộc nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người con Việt. Nó gắn kết các thế hệ con cháu với tổ tiên, là dịp đoàn tụ của các thành viên trong gia đình lớn. Nó thể hiện rõ tình cảm gia đình, làng xóm, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Trong tiết trời tháng ba, mọi người nô nức đi thăm mộ, sắm sanh lễ vật cầu cúng cầu mong cho gia tiên được mồ yên mả đẹp.
Tết Thanh minh năm nay sẽ vào thứ 4 nên các gia đình thường có xu hướng tổ chức sớm hơn vào thứ 7, chủ nhật tiện cho cho công việc và chuẩn bị lễ lạt được đầy đủ. Vào ngày này mọi người không đề cao “mâm cao cỗ đầy”, nhưng người Việt coi trọng giá trị tinh thần, coi trọng tấm lòng hiếu thảo của con cháu hướng về gia tiên, hướng về nguồn cội.
Nhi Thảo