Sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được coi là một sự kiện thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Nguồn: defenseindustrydaily.co |
|
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chiếc tàu sân bay này - từng thuộc biên chế của hải quân Liên Xô trước đây với tên gọi Varyag, sau khi được Trung Quốc mua lại, chiếc tàu này phải trải qua một quá trình "tân trang" khá lâu - chưa thể trở thành một nhân tố chiến lược làm thay đổi cuộc chơi.
Ngày 25/9, Hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận chiếc tàu sân bay này - một động thái nhằm phô trương sức mạnh trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực đang sục sôi, đặc biệt là tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông.
Chiếc tàu sân bay này có tên gọi Liêu Ninh dài 300m, được giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Trung Quốc mô tả là bước đột phá trong việc tăng cường sức mạnh hải quân của nước này, trong bối cảnh Mỹ tuyên bố chiến lược hướng tới châu Á.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu không có một hạm đội và các máy bay chiến đấu đi kèm, chiếc tàu sân bay của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng, giúp hải quân nước này giành được chút thanh thế, chứ không làm thay đổi đáng kể sức mạnh quân sự tổng thể của Trung Quốc.
Tại buổi lễ chính thức bàn giao tàu Liêu Ninh cho hải quân Trung Quốc ở cảng Đại Liên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng việc đưa tàu sân bay mới này đi vào hoạt động là "dấu mốc" trong lịch sử quân sự và quá trình phát triển vũ khí của Trung Quốc.
Trong một chương trình bình luận trên kênh truyền thông của nhà nước, Thiếu tướng Hải quân Dương Nghị khẳng định rằng chiếc tàu này giúp Trung Quốc tiến gần hơn tới việc thực hiện mục tiêu "trở thành một cường quốc trên đất liền và trên biển."
Căng thẳng trên biển Hoa Đông đã dâng cao đáng kể trong những tháng gần đây do xảy ra tranh chấp về tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Tokyo gọi là Senkaku.
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn chưa có các máy bay dùng cho tàu sân bay và con tàu được tân trang từ tàu cũ này không giúp Trung Quốc tiến gần hơn tới việc tự phát triển một lực lượng hàng không mẫu hạm của riêng nước này.
Arthur Ding, chuyên gia về quân sự của Đài Loan nói: "Hàng không mẫu hạm này chỉ là bước đệm để tiến tới những phát triển xa hơn." Ông Ding cho rằng tính biểu tượng của con tàu này sẽ tạo ra 'ảnh hưởng về mặt tâm lý' trong khu vực, song nó "chưa thể thay đổi tổng thể thế cân bằng sức mạnh hiện nay chỉ trong một đêm," bởi con tàu này chủ yếu được sử dụng để huấn luyện nhằm chuẩn bị cho các tàu sân bay do chính Trung Quốc sản xuất trong tương lai.
Theo Ralph Cossa, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Honolulu, nói với hãng tin AFP rằng việc phát triển các máy bay dùng cho tàu sân bay và việc huấn luyện phi công để họ có thể hạ cánh xuống tàu sân bay lại là vấn đề khác. Ông nói: "Vận hành tàu sân bay không phải là việc dễ. Tân trang con tàu này là một chuyện. Phát triển các máy bay dùng cho nó lại là chuyện khác."
Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu J-15 - loại có khả năng dùng cho tàu sân bay. Các bức ảnh chụp những chiếc máy bay trên boong chứa máy bay của tàu sân bay Liêu Ninh đã bắt đầu xuất hiện trên các trang mạng của Trung Quốc, song khả năng này của Trung Quốc chưa được chứng minh. Truyền thông nhà nước trích lời ông Kiều Lương nói: "Không thể gọi một con tàu là tàu sân bay nếu thiếu các máy bay." Mặc dù vậy, ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ sớm có các máy bay dùng cho tàu sân bay.
Ít nhất trong ba năm nữa, tàu Liêu Ninh, được đặt theo tên một tỉnh phía Đông Bắc của Trung Quốc, sẽ chưa thể vận hành đầy đủ như một tàu sân bay, và một tàu sân bay do chính Trung Quốc tự chế tạo thậm chí còn xa vời hơn.
Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền trên biển bởi sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh kinh tế của nước này ngày càng được mở rộng, gây lo ngại cho các nước láng giềng.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Cossa, thậm chí khi tàu Liêu Ninh đi vào hoạt động, con tàu này cũng không có khả năng chống lại lực lượng hải quân siêu việt của Mỹ đặt tại Nhật Bản, đó là chưa nói đến Hạm đội 7 của Mỹ. Ông nói: "Tôi không cho rằng họ sẽ nỗ lực đưa tàu sân bay không được vũ trang của họ ra biển Hoa Đông để gây áp lực cho Nhật Bản, ít nhất là trong vài năm tới."
Mặc dù vậy, ông Cossa cho biết các nhà phân tích vẫn cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu có những bước phát triển và tàu Liêu Ninh sẽ giúp họ "tăng cường thanh thế," cho phép hải quân Trung Quốc "tạo ra cái bóng lớn hơn" tại vùng biển của khu vực, và cuối cùng, con tàu này giúp Trung Quốc có được lợi thế lớn trước các đối thủ nhỏ hơn, ví dụ như Philippines.
Theo Vietnam+