Tắm tiên ư? Không dễ!

Thứ Năm, 1/7/2010, 6:42 (GMT+7)
(TT&VH Cuối tuần) - Mặc dù đã ra đời từ lâu, trào lưu tắm tiên vẫn còn đang là vấn đề gây tranh cãi tại nhiều nơi trên thế giới. Bởi đây không chỉ là một xu hướng xã hội mà còn là một biểu hiện mang tính văn hóa tế nhị và nhạy cảm ngay tại các nước phương Tây tưởng như rất “thoải mái” trong chuyện này.

Tăng đột biến

Câu chuyện rất “nóng” khi vào cuối tháng 5/2010 vừa qua, tân thị trưởng thành phố Seattle (Mỹ), Mike McGinn đã nêu nhiều đề xuất để lấy ý kiến dân chúng nhằm cải thiện cuộc sống tại thành phố này. Theo đó ý tưởng về việc sẽ có bãi tắm ở Seattle “thư giãn theo kiểu châu Âu, việc mặc quần áo hay không là theo tùy chọn” cuối cùng đã đứng hàng thứ ba trong ưu tiên bình chọn của người dân. Bởi nhiều người cho rằng trong khi phong trào chạy xe đạp khỏa thân diễn ra vào tháng Sáu hàng năm tại Seattle đã trở thành bình thường suốt 17 năm qua thì chẳng lý gì mà người dân thành phố không được khỏa thân tắm biển. Có nhiều người còn trách chính quyền hứa chuyện này từ hồi 2008 xong để đấy khiến dân nhiều lúc cũng bức bối vì nóng nhưng vẫn không dám làm quá liều.

Không lâu sau đó, một nhóm người biểu tình ở Washington đòi phải có bãi tắm tiên ở ngay thủ đô nước Mỹ. Họ yêu cầu quốc hội phải chuẩn y điều này và “hứa” có đủ tình nguyện viên khắp nước Mỹ không mặc gì có thể tuần hành khắp nơi đòi quyền tự do cho những người thích theo chủ nghĩa tự nhiên.

Tại châu Âu, vùng Wallonia thuộc miền Nam nước Bỉ cũng đang “nhắm” đến các bãi tắm tiên hiện đang thịnh hành tại đây để phát triển du lịch, theo đó kế hoạch được đưa ra từ nay đến năm 2014, vùng này sẽ có ít nhất 5 ngôi làng du lịch khỏa thân và các địa điểm tắm tiên cho du khách. Một quan chức ngành du lịch vùng Wallonia giải thích: “Chúng tôi đang thẩm định các khu vực nào có thể tiếp đón được các du khách khỏa thân, và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong năm nay”. Hiệp hội Khỏa thân của Bỉ hiện có 15.000 thành viên.

Ai-len cũng vừa thông qua cho phép đảo Emerald trở thành bãi tắm tiên với chiều dài bờ biển là 8 cây số và qua đó cũng giúp Ai-len được xếp vào chung nhóm với Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Croatia, những quốc gia có nhiều bãi tắm “thiên nhiên” nhất thế giới.

Ngay cả quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng đã gây ngạc nhiên lớn khi dự định mở cửa dạng khách sạn khỏa thân đầu tiên của mình vào tháng Năm vừa qua. Khách sạn Adaburnu Gölmar trên bán đảo Datça, nơi có một bãi biển mà “mọi người có thể nghỉ ngơi và khỏa thân một cách hoàn toàn tự do”. Có điều chỉ dân nước ngoài mới được chào mời còn người bản địa thì không được phép, mọi quảng cáo chỉ ở phạm vi ngoài quốc gia. Xui xẻo, khách sạn chưa mở cửa đã bị báo chí khui ra và người dân khá tức giận bởi “Tại sao lại cấm người Thổ Nhĩ Kỳ đến đó?”. Ngay lập tức, chính quyền địa phương thấy không ổn. Nhưng lập luận sao đây? Cuối cùng, họ đã tìm ra một nguyên nhân “chính đáng”: diện tích xây dựng của một trong những ban-công của khách sạn Adaburnu Gölmar vượt quá chuẩn cho phép là 20m2. Thế là, đầu tháng Năm, thay vì mở cửa khách sạn đã phải tạm thời đóng cửa để xây bít kín lại phần ban-công “quá khổ” và chờ đợi.

Xung đột

Nhìn chung ở châu Âu, trào lưu “sống theo tự nhiên” phát triển mạnh. Trên dưới 2 triệu người Hà Lan thường xuyên sống khỏa thân, trên bãi biển và ngay trong sân vườn nhà mình. Năm 1986, một đạo luật của nước này được thông qua, cho phép công dân được tự do khỏa thân, trừ phi đang ở chốn công cộng và khi hành động đó “gây khó chịu cho những người chung quanh”. Câu lạc bộ thể thao Hetenren của nước này còn tổ chức những “ngày Chủ nhật khỏa thân” và gặt hái được nhiều thành công đáng kể.


Những “chú nhộng” này sẽ giết chết ngành công nghiệp áo tắm?
Tuy nhiên vẫn tồn tại những xung đột. Năm 2007, khi biên giới giữa Đức và Ba Lan mở cửa tự do, đảo Usedom trên biển Baltic, một hòn đảo thuộc chủ quyền của cả hai quốc gia nói trên với phần phía Tây thuộc Đức và phía Đông thuộc Ba Lan, đã trở thành “vũ đài” tranh cãi giữa một bên là các tín đồ “sống theo tự nhiên” từ Đức và bên kia là những người thuộc phái thanh giáo trên đất Ba Lan.

Một bản tin truyền thông thời đó viết: “Ánh nắng rực rỡ trên hòn đảo Usedom và theo truyền thống, rất nhiều người đi nghỉ Hè đang tận hưởng không gian ấm áp này trong trang phục Adam và Eva. Từ hơn nửa thế kỷ nay, lối sống tự nhiên chủ nghĩa đã có trên hòn đảo tuyệt đẹp này, ít ra là bên phần lãnh thổ nước Đức”. Song, suốt dọc 40 km chiều dài bờ biển, đảo Usedom có đến 6 bãi tắm tiên, trong đó có một bãi chỉ nằm cách phần lãnh thổ Ba Lan vài mươi mét! Thế là, những “chú nhộng” người Đức đã khiến những du khách chơi thuyền buồm người Ba Lan nổi đóa. Bởi tại Ba Lan, ai “tắm truồng lộ thiên” sẽ bị phạt, và hiện tượng khỏa thân trên bãi biển Usedom cũng được đưa vào cuộc họp của hội đồng địa phương. Thế là, hai bên quyết định vẽ lại đường ranh giới phân cách sao cho phù hợp hơn để những người Ba Lan không còn nhìn thấy cảnh tắm tiên bên kia phần lãnh thổ Đức nữa.

Xung đột cũng thấy rõ ở nước Mỹ. Điều này dường như hoàn toàn mâu thuẫn với việc giới truyền thông giải trí Mỹ luôn khai thác triệt để cái gọi là “sex”. Bởi người Mỹ đã có quan niệm từ giáo dục rằng “khỏa thân là xấu”, rằng hiện tượng “không mặc quần áo” luôn gắn liền với “quan hệ tính dục”, là một điều gì đó không thanh khiết, một điều gì đó mang tính khiêu dâm, kích thích thị hiếu thấp hèn của người khác. Khái niệm Mỹ khác hẳn với cái nhìn tại châu Âu. Mới đây, đúng ngày Quốc tế thiếu nhi, báo chí Mỹ làm rùm beng vụ một gã “râu xanh” chuyên rình mò quay lén các bé gái tại các bãi tắm trần ở Florida và xem đó là một trong những vấn đề cần bàn thảo kĩ trong chuyện tồn tại hay không tồn tại các bãi tắm tiên hợp pháp. Nhưng cũng chính những tờ báo ấy quên rằng, cũng nhờ những bãi tắm tiên ấy mà đã tạo nên bao công ăn việc làm cho các paparazzi.

Thế cho nên, có thông tin rằng, trong thế kỷ 21 này, một thế kỷ mà việc bảo vệ thiên nhiên là vấn đề thời sự nóng hổi hơn bao giờ hết, thì trào lưu “sống theo tự nhiên” phải chăng một ngày nào đó sẽ được xem là một trong những phong trào đi tiên phong trong việc bảo vệ môi trường sinh thái? Vấn đề hãy còn dài…

Khỏa thân ư? STOP!

Cũng tại Đức, hãng sản xuất áo tắm Blush Swimwear từng lên tiếng phản đối trào lưu tắm tiên tại nước này. Lý do: “sống theo tự nhiên” sẽ giết chết ngành công nghiệp áo tắm. Hãng trên đã phát động một chiến dịch tẩy chay tắm tiên bằng cách khoác lên nhiều bức tượng tại thủ đô Berlin những “bộ áo tắm” bằng decal với khẩu hiệu “Stop Nudism” (Chấm dứt chủ nghĩa khỏa thân). Song, nhiều người cho rằng hành động này thật “nực cười” tại một thành phố như Berlin, nơi mà sự khỏa thân xuất hiện nhan nhản một cách hợp pháp tại các công viên.



Tường Nguyễn (tổng hợp)
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến