Sự thật về "Cá mập trắng"

Thứ Sáu, 5/4/2013, 12:22 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Đây chính là nguồn cảm hứng cho bộ phim kinh dị Cá mập trắng của Spielberg. Nội trong tháng Bảy năm 1916 ở New Jersey tổng cộng 5 du khách bị cá mập tấn công. Một phong trào săn cá mập nổ ra ở Mỹ, và cơn khủng hoảng tinh thần lan đến tận Nhà Trắng.

Cảnh báo đầu tiên

Hè năm 1916 chiếm vị trí kỷ lục về nóng ở Bờ Đông Hoa Kỳ. Không khí nóng ẩm đè nặng lên các đô thị như một tấm khăn ướt trùm lên nồi hơi. Ai có thì giờ hay đủ tiền lẻ trong túi đều đổ xô ra biển tránh nóng.


Đạo diễn Steven Spielberg đang chỉ đạo một cảnh quay trong bộ phim Cá mập trắng

Nước Mỹ đang ở đỉnh cao của kinh tế phồn vinh. Chiến trường châu Âu thì ở xa lắm. Những thành tựu khoa học mới như đèn điện và điện thoại đã trở nên phổ biến, củng cố niềm tin vào tương lai của một dân tộc trẻ. Lối sống lạc quan cũng xui người ta ăn chơi xả láng hơn.

Bãi tắm Beach Haven nhỏ xinh và dễ thương, năm ấy cũng không đủ chỗ cho người bơi và nằm phơi nắng. Trẻ con nô đùa, phụ nữ khoe mốt đồ tắm, đàn ông thi bơi ra xa.

Charles Vansant 25 tuổi, thuộc một gia tộc danh giá ở Bờ Đông, cũng không là ngoại lệ. Anh dắt chó đi dạo dọc bờ nước khi Mặt trời đã gần tắt. Dọc bờ biển có một hung thần lượn đi lượn lại. Đúng ra thì nó không hung dữ, cũng chẳng khát máu người. Có thể nó đói hoặc lạc lối, chứ thịt người không thuộc về thực đơn của cá mập. Đa phần người Mỹ cũng không biết gì mấy về loài này, vì thông thường cá mập ở vùng nhiệt đới nhiều hơn, chứ nước biển New Jersey được coi là quá lạnh. Herrmann Oelrichs, một trong những người giàu nhất Mỹ và chủ báo New York Sun còn trao giải thưởng cho ai thấy cá mập tấn công người!

Khi tiếng hét của Vansant vang khắp bãi tắm, anh chưa bơi xa được hai chục mét. Xung quanh anh nước biển nhuốm đỏ. Nhân viên cứu hộ Alexander Ott đến nơi sớm nhất và thấy một con cá mập dài ước chừng 3 thước và nặng 250 cân. Nó rứt một mảng lớn từ đùi Vansant. Tai nạn này tạo ra thuật ngữ “bị cá mập cắn”, lần đầu tiên được dùng làm nguyên nhân trong giấy báo tử ở Mỹ. 


Bãi biển Beach Haven ở New Jersey tháng 7/1916

Không lo - cho đến khi có nạn nhân thứ hai

Thoạt tiên cái chết của Charles Vansant chỉ làm người ta xì xầm được một tuần, báo chí đăng tin trang cuối, và bãi biển New Jersey vẫn tấp nập như cũ. Ngày Lễ Độc lập (4/7) đến gần, không ai muốn gây dư luận xấu để giảm kinh doanh. Thậm chí các nhà chuyên môn còn cho rằng vết cắn là của một con cá ngừ loại to hoặc của… rùa biển!

Thảm họa thứ hai diễn ra ở Spring Lake, cách Beach Haven ngót 70 km. Charles Bruder là một người bơi giỏi, chuyên ra thật xa ngoài khơi. Ở California anh đã có lần chạm trán cá mập và tin rằng giống này tránh người bơi. Ngày 6/7 anh bơi ra xa chừng 100 mét thì bị cá mập tấn công - to hơn hung thần trong vụ Charles Vansant. Bruder được cứu lên thuyền thì chết, đến nửa người bị cắn đứt. Hàng loạt phụ nữ ngất xỉu khi xác Bruder được đưa đến bờ. 

Bây giờ thì không còn báo nào không khai thác chuyện “Hung thần New Jersey” trên trang đầu. Các bãi tắm bị đóng, mỗi bóng đen dưới nước đều gây làn sóng kinh hoàng, hàng loạt nhà khoa học vào cuộc. Tổng thống Woodrow Wilson triệu tập hội nghị bất thường và kêu gọi thợ săn mang súng ra khơi. Không ai tiên liệu được hung thần thay đổi chiến thuật. 


Cá mập ngày càng bị tận diệt bởi bàn tay con người

Câu thách đố mang tên Matawan Creek

Matawan Creek là một dòng sông liên quan đến thủy triều, bắt đầu từ Staten Island gần New York. Ngày 16/7, Lester Stillwell 12 tuổi và các bạn đi bơi ở sông này, đột nhiên một hàm răng khổng lồ nhô lên khỏi mặt nước và lôi Stillwell mất hút.

Trong đám người bơi ra cứu có Stanley Fisher, anh lặn hơn nửa tiếng mà không thấy xác Stillwell dưới đáy. Rốt cục khi tìm được thì chính Fisher bị tấn công lần nữa. Vết cắn to đến nỗi bác sĩ không thể cứu nổi Fisher.

Nạn nhân cuối cùng trong tháng 7 đẫm máu cũng là người duy nhất sống sót. Stillwell vừa chết một tiếng, hàm cá mập đã lại bập vào đùi cậu bé Joseph Dunn 14 tuổi. Nhờ có hai người đàn ông bên cạnh mà nạn nhân không bị kéo đi. Thảm họa ở con sông Matawan Creek vốn hiền hòa đã biến vùng này thành chiến trường. Mọi người đổ xô ra sông và bắn vào tất cả những gì động đậy, thậm chí ném cả bộc phá xuống nước.

Thợ săn và thợ thuần hóa thú dữ Michael Schleisser là người mà New Jersey phải cảm ơn nhiều nhất, vì hai hôm sau vụ Dunn, ông bắn hạ một con cá mập cái ở cửa sông Matawan Creek. Trong dạ dày con quái vật dài 2,3 mét này người ta tìm thấy thịt người, tuy không phải của 5 nạn nhân kể trên. Từ sau đó, không thấy nạn nhân nào báo nữa. 

Năm 1974 tác giả Peter Benchle dựa trên vụ Jersey mà tung ra cuốn best-seller Jaws (Hàm răng), một năm sau được Spielberg chuyển thể lên màn bạc. Chính các tác phẩm đó mới quảng bá hình ảnh sai lầm về cá mập. Cho đến nay người ta vẫn chưa thống nhất được, giống cá mập nào nguy hiểm. Thịt người trong dạ dày là minh chứng để buộc tội cá mập trắng. Song thực tế là, nếu cá mập ưa săn người thì mỗi năm phải có hàng nghìn nạn nhân, trong khi cả thế giới chỉ có khoảng 5 vụ tử nạn.

Đối với bản thân cá mập, dường như nhận thức đó đến hơi muộn: con người ngày càng thu hẹp diện tích đi săn của cá mập và săn bắt chúng vô tội vạ, vét tận diệt hải sản bằng lưới quét và duy trì những món khoái khẩu bằng vây cá mập! Gần 100 năm sau sự kiện tháng 7 New Jersey đẫm máu, cá mập đối đầu với nạn tuyệt chủng.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến