(Thethaovanhoa.vn) - Truyền thông Australia ngày 27/8 đưa tin đã có 3.000 phi công làm việc tại 12 hãng hàng không quốc tế đã tham gia vụ kiện tập thể chống lại Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ vì những thiệt hại xuất phát từ các vấn đề thiết kế liên quan tới mẫu máy bay Boeing 737 MAX.
Hãng sản xuất máy bay của Mỹ Boeing cho biết từ nay đến tháng 9 tới sẽ xử lý lỗi phần mềm mới phát hiện trên dòng máy bay 737 MAX bị cấm sử dụng. Thông báo trên đồng nghĩa với việc kế hoạch đưa dòng máy bay này trở lại hoạt động sẽ phải trì hoãn sớm nhất là đến tháng 10, lâu hơn thời gian mà hầu hết các hãng hàng không dự báo.
Đơn kiện tập thể đã được gửi lên tòa án khu vực ở Illinois của Mỹ vào ngày 21/6 nhằm mục đích đòi Boeing bồi thường cho những thiệt hại xuất phát từ vấn đề thiết kế và việc đã không cảnh báo cho các phi công dẫn tới 2 thảm họa hàng không gần đây liên quan tới mẫu máy bay Boeing 737 MAX.
Trao đổi với báo giới, ông Joseph Wheeler, Giám đốc pháp lý của Nhóm chính sách và luật hàng không vũ trụ quốc tế của Australia (IALPG), nhóm đứng đầu đơn kiện tập thể, cho biết các nhà chức trách trên thế giới đã hoài nghi về sự an toàn trong thiết kế của Boeing 737 MAX và họ đã dứt khoát cho ngừng khai thác mẫu máy bay này.
Ông cho rằng Boeing phải chịu trách nhiệm khi đã không cảnh báo các phi công về những khiếm khuyết trong thiết kế. Rất nhiều phi công trên thế giới đã bị sa thải, hoặc chuyển công tác hay bị giảm giờ bay và cắt giảm lương. Trong khi việc xác định những bên liên quan vẫn còn là một ẩn số, ông Wheeler cho biết số tiền mà các phi công đòi bồi thường lên tới 368 triệu đô la Australia (248 triệu USD).
Những quan ngại xung quanh Boeing 737 MAX đã xuất hiện hồi tháng 10 năm ngoái khi chiếc Boeing 737 Max của hãng hàng không Lion Air rơi và chìm xuống biển Java không lâu sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Tiếp đó, tháng 3 vừa qua, chiếc Boeing 737 MAX do hãng hàng không Ethiopian Airlines vận hành ở châu Phi trên hành trình tới thủ đô Nairobi của Kenya cũng rơi xuống chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh, khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Giới chuyên gia trên khắp thế giới đã bày tỏ lo ngại về Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), còn gọi là hệ thống lái tự động trong trường hợp nguy hiểm, có thể là nguyên nhân gây ra các tai nạn thảm khốc trên. Một loạt nước trên thế giới cũng đã có những động thái ngừng khai thác máy bay Boeing 637 MAX vì lý do an toàn. Cho đến nay, Boeing vẫn chưa trình được lên Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) bản cập nhật phần mềm trong bối cảnh hãng này đang nỗ lực để được FAA đồng ý chấm dứt lệnh cấm bay đối với dòng 737 MAX.
Phương Oanh - TTXVN