Sở Xây dựng Hà Nội trả lời 21 câu hỏi của báo chí về vụ chặt cây
Thứ Tư, 25/3/2015, 14:28 (GMT+7)
(Ban tổ chức) -
Liên quan đến các chất vấn “dồn dập” của các nhà báo trong buổi họp báo ngày 20/3 của UBND TP Hà Nội về việc chặt hạ và thay thế cây xanh, ngày 25/3, Sở Xây dựng đã có văn bản trả lời chính thức.
(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến các chất vấn “dồn dập” của các nhà báo trong buổi họp báo ngày 20/3 của UBND TP Hà Nội về việc chặt hạ và thay thế cây xanh, ngày 25/3, Sở Xây dựng đã có văn bản số 2366/SXD-KHTH trả lời chính thức.
Nhà báo Việt Chiến có hỏi về việc Thành phố thực hiện việc thay cây có 3 vấn đề chưa làm: Đánh giá tác động môi trường về việc chặt cây, đáng giá tác động cảnh quan đô thị, đánh giá tác động phản ánh của dư luận; cho đến thời điểm này đã chặt hạ, trồng được bao nhiêu cây, kinh phí bao nhiêu?
Sở Xây dựng cho biết: Việc lập và triển khai Đề án cải tạo thay thế cây xanh các tuyến phố vừa qua là căn cứ vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch chuyên ngành về cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước. Các quy hoạch này đã được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục, trong đó có đánh giá tác động môi trường, tác động cảnh quan, lấy ý kiến của cộng đồng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành. Đồng thời sau khi quy hoạch được phê duyệt đã thông tin công khai minh bạch theo quy định. Việc duy trì, cải tạo và thay thế cây xanh đường phố theo quy hoạch là công việc thường xuyên hàng năm được thực hiện theo quy định.
Từ tháng 11/2014 đến đầu năm 2015, Thành phố đã và đang triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 08 tuyến phố trong đó: di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây. Kinh phí trồng mới do các đơn vị xã hội hóa ủng hộ, hỗ trợ, hiện chưa thanh quyết toán.
Cây xanh được trồng mới, bổ sung ngay sau chặt hạ
Với câu hỏi của Phóng viên Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh về việc dừng chặt cây như thế nào, bao lâu có thể tiếp tục chặt hạ? Trong văn bản của TP, Chánh Văn phòng UBND Nguyễn Thịnh Thành cho biết việc chặt hạ hầu hết được sự đồng tình của nhân dân là như thế nào?
Sở Xây dựng trả lời: UBND Thành phố đã có chỉ đạo dừng việc chặt hạ, thay thế cây hàng loạt trên một số tuyến phố. Giao Sở Xây dựng rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện từng bước đảm bảo duy trì mật độ cây xanh trên từng tuyến phố. Sở Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo xin ý kiến của UBND TP. Sau khi được thông qua việc rà soát, Sở Xây dựng sẽ cung cấp thông tin về kế hoạch, lộ trình thực hiện.
Đối với việc chặt hạ, thay thế các cây chết, sâu mục, gãy đổ ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công tác cắt tỉa cây mùa mưa bão là công việc thường xuyên, Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thực hiện; Đối với các cây xanh nằm trong phạm vi các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị thì việc chặt hạ, đánh chuyển thực hiện theo tiến độ dự án.
Việc thay thế, đánh chuyển cây xanh trên địa bàn TP thời gian qua là chủ trương đúng, được thực hiện bám sát theo các quy định của nhà nước và TP, góp phần làm cho các tuyến phố ngày một trở nên đẹp hơn (nhất là khi cây đã trưởng thành), an toàn hơn khi mưa bão xảy ra; như đã thực hiện trên các phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, Hoàng Văn Thụ, Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu.
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa trồng cây, phóng viên Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Xã hội hóa có bao nhiêu DN tham gia, gồm doanh nghiệp nào? Họ được gì?
Sở Xây dựng cho biết: Đến thời điểm hiện nay có các đơn vị như Tập đoàn Vincom, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng, Công ty cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Công ty Công viên cây xanh, Công an Thành phố Hà Nội…và một số tổ chức, cá nhân khác đã tham gia hưởng ứng ủng hộ, hỗ trợ việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường. Các đơn vị, cá nhân tự nguyện hỗ trợ cho việc trồng mới cây xanh với một mong muốn là để góp phần chung tay xây dựng Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn, đảm bảo an toàn cho các người dân trong khi tham gia giao thông. Qua đây Sở Xây dựng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp quý báu của các đơn vị, cá nhân với sự nghiệp xây dựng Thủ đô.
Phóng viên Báo Người tiêu dùng chất vấn: “Dư luận cho rằng các DN đứng sau việc chặt cây, TP khẳng định có phải thế không hay là chủ trương TP, DN chỉ hỗ trợ. Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn lên hàng trăm tỉ, sau khi bán gỗ đi thì mục đích sử dụng là gì?”
Sở Xây dựng trả lời: Hưởng ứng việc xã hội hóa công tác cải tạo, thay thế cây xanh của TP, các doanh nghiệp đã tự nguyện ủng hộ, hỗ trợ TP trong việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường với mong muốn là để góp phần chung tay xây dựng Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn, đảm bảo an toàn cho các người dân trong khi tham gia giao thông.
Dư luận cho rằng có việc DN đứng sau việc chặt cây vừa qua là không đúng. Số tiền lên đến hàng trăm tỷ sau khi bán gỗ là không có cơ sở. Toàn bộ số gỗ, củi thu được hiện đang tập kết tại kho của các đơn vị. Hiện chưa bán, toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Phóng viên Báo Điện tử Vnmedia và Báo Tiền phong hỏi về việc những cây xanh chặt hạ được đưa đi đâu, tập kết ở đâu? Cây trồng mới mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây?
Sở Xây dựng công bố: Các cây xanh còn đủ điều kiện sinh trưởng sẽ được chuyển về vườn ươm để chăm sóc, đôn đảo, chỉnh trang và sau đó được trồng ở các công viên, vườn hoa. Số lượng gỗ, củi đã chặt hạ được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị, Sở Xây dựng phối hợp lập hồ sơ quản lý. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá theo quy định.
Các cây thay thế do các đơn vị ủng hộ, hỗ trợ được thực hiện thông qua việc thuê các đơn vị chuyên ngành thực hiện, giá cây xanh do các đơn vị hỗ trợ tự quyết định mua hoặc ủng hộ cây. Các cây này đều được Sở Xây dựng nghiệm thu sau khi trồng, các đơn vị đều thống nhất với Sở Xây dựng đảm bảo cây sống mới hết trách nhiệm. Việc thanh quyết toán thực hiện theo các quy định hiện hành.
Phóng viên báo Điện tử Vnmedia hỏi: “Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt”?
Sở Xây dựng nêu rõ: Sở là cơ quan cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh theo Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 của UBND Thành phố ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn Thành phố. Trước khi tiến hành cấp phép chặt hạ, dịch chuyển, tổ công tác bao gồm Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và UBND phường sở tại kiểm tra và có biên bản và ảnh chụp lưu xác định tình trạng cây xanh, đóng dấu của UBND phường sở tại làm cơ sở cấp phép.
Hiện nay, việc đánh giá cây sâu mục được thực hiện theo phương pháp trực quan thực tế ngoài hiện trường. Việc chặt hạ cây sâu mục được thực hiện theo quy định, trong trường hợp có nguy cơ gẫy đổ, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh chụp ảnh, thông báo cho chính quyền sở tại lập biên bản để thực hiện ngay.
Phóng viên Báo Người Đưa tin hỏi: Nhiều chuyên gia nói cây được chọn thay thế đường Nguyễn Chí Thanh có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu chọn có hợp lý không?
Sở Xây dựng khẳng định: Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.
Cây cao trung bình 25 - 30m, đường kính thân cây 70 - 80cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 - 17cm, rộng 1,5 - 6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1 - 2cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.
Phóng viên Báo Một Thế giới thắc mắc về việc hạch toán, thống kê kiểm kê việc chặt cây trên tuyến phố...?
Sở Xây dựng khẳng định: Số lượng gỗ, củi chặt hạ trong đợt cải tạo thay thế cây xanh vừa qua đã được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá theo quy định. Kinh phí đánh chuyển, chặt hạ cây được thực hiện theo đúng định mức, đơn giá và sẽ được quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
Phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh hỏi: Thành phố cho biết việc chặt cây có thể minh bạch thông tin về giá cây, gỗ trong vòng 5 năm thế nào?
Sở Xây dựng cho biết: Giá cây xanh đô thị phụ thuộc chủng loại, kích thước cây xanh. Đối với việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, giá cây được xác định theo điều kiện cụ thể, được thẩm định giá độc lập đưa vào dự toán và quyết toán theo quy định. Đối với các trường hợp xã hội hóa, giá cây xanh do các đơn vị tự quyết định mua và hỗ trợ cây cho TP. Giá gỗ tổ chức thẩm định và bán đấu giá theo quy định.
Phóng viên Báo Thanh Niên hỏi về bình quân cây xanh đầu người ở Hà Nội là bao nhiêu? Việc chặt 6.700 cây có tính mật độ?
Sở Xây dựng công bố: Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước thì hiện nay, tỷ lệ diện tích đất cây xanh khu vực nội đô khoảng 3,02m2/người. Việc thay thế cây xanh trên các tuyến phố được thực hiện theo lộ trình và kế hoạch, cây mới được trồng vào đúng vị trí cây được thay thế và trồng bổ sung tại các khu vực, vị trí phù hợp, không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu mật độ cây xanh hiện có mà còn tăng lên theo quy hoạch (chỉ tiêu cây xanh, công viên đô thị cho khu vực đô thị lõi đạt khoảng 4m2/người).
Phóng viên báo Lao Động hỏi: “Hà Nội nên thơ bởi những hàng cây như bằng lăng, sấu ở Phan Đình Phùng... Chúng ta thay nhiều loại cây hay chỉ một loại cây? Nguồn từ ngân sách bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu phần trăm?”
Sở Xây dựng thông tin: Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 được UBND Thành phố phê duyệt ngày 18/3/2014 thì mạng lưới cây xanh đường phố Hà nội sẽ được bảo tồn, chăm sóc với các tuyến cây xanh đường phố lâu năm đặc trưng, hiện hữu, đồng thời từng bước bổ sung thay thế trồng mới các chủng loại cây theo quy hoạch.
Thời gian qua, việc cải tạo, thay thế cây xanh được thực hiện bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó gồm cả vốn ngân sách và xã hội hóa, vì đang triển khai nên chưa có số liệu quyết toán.
Trong vấn đề thay cây xanh, phóng viên Đài truyền hình kỹ thuật số VTC hỏi: “Đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Đây là dự án lớn đến nay dừng lại thì trách nhiệm của đơn vị đầu tư, cung ứng này như thế nào?”
Sở Xây dựng trả lời: Các đơn vị cung ứng cây là các đơn vị có loài cây phù hợp với quy định của TP về chủng loại, chất lượng cây. Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiệm thu đảm bảo theo đúng quy định. Việc cải tạo, thay thế cây không phải dự án, đây là việc làm thường xuyên, hàng năm theo kế hoạch nên việc thực hiện tới đây phải tuân thủ theo đúng quy định.
Phóng viên báo Đất Việt hỏi: “Những cây trồng thời Pháp thuộc, những cây trồng cách đây mấy năm phải hạ chuyển thì liệu có phải quy hoạch đã sai rồi không?”
Sở Xây dựng khẳng định: Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 thì Thành phố và mọi người dân phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đô thị từ các thời kỳ để lại cho chúng ta.
Các cây trồng từ thời Pháp thuộc trên các tuyến phố cổ, phố cũ của Hà Nội được hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử và mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Nhiều tuyến phố đã có hệ thống cây xanh đặc trưng như: cây sấu phố Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, Trần Phú; cây xà cừ phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Chu Văn An; cây sao đen ở phố Lò Đúc; cây long não phố Đặng Dung… Những cây cổ thụ này đã, đang và sẽ tiếp tục được bảo tồn, chăm sóc giữ dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố.
Chỉ chặt hạ những cây sâu mục đổ gãy ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng tài sản của người dân; những cây phải GPMB để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đô thị. Đối với những cây mới trồng thì chỉ thay thế những cây chết, còi cọc, chậm sinh trưởng.
Phóng viên Báo An ninh Thủ đô hỏi: Mạng xã hội có rộ lên thông tin sẽ thay thế cây tần bì, cây này có nằm trong diện cây thay thế không? Biện pháp gì để sàng lọc những cây có hại hoặc cây sinh trưởng không tốt? Vì sao một số nơi cây xà cừ thẳng, cây bàng cũng thẳng, đang sinh trưởng tốt nhưng vẫn bị chặt đi trong khi không có sâu bệnh gì?”
Sở Xây dựng giải thích: Trong quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước không có cây tần bì trong danh mục lựa chọn cây đô thị. Việc thay thế cây xanh để trồng mới vừa qua thực hiện theo đúng quy hoạch và chủng loại cây đô thị theo quy định.
Các cây xà cừ, bàng sinh trưởng tốt thì không chặt hạ. Sở Xây dựng chỉ cấp phép chặt hạ các cây nằm trong danh mục các dự án phát triển giao thông đô thị; các cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân.
Phóng viên Báo Vietnamnet hỏi: “Quyết định dừng chặt cây của TP là do dư luận xã hội hay là lí do nào? Việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, giải trình khi nào có?”
Sở Xây dựng trả lời: Qua thông tin báo chí phản ánh dư luận xã hội và kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND TP đã có Kết luận tại Thông báo số 40/TB-UBND ngày 20/3/2015, trong đó chỉ đạo dừng việc chặt hạ, thay thế hàng loạt cây trên một số tuyến phố. Giao Sở Xây dựng rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện từng bước đảm bảo duy trì mật độ cây xanh thường xuyên trên từng tuyến phố. Sau khi hoàn thành sẽ thông tin kịp thời, đầy đủ đến báo chí.
P.V
GỬI Ý KIẾN (Vui lòng gõ tiếng
việt có đấu)