(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong 6 tháng qua, với hơn 100.000 ca mắc mới được công bố ngày 4/8, trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành những khu vực có nhiều người chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 4/8 đã công bố dự báo tổng hợp, trong đó cho rằng trong 4 tuần tới, số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở nước này có thể sẽ tăng lên.
Theo số liệu thống kê của hãng Reuters (Anh) tính đến hết ngày 4/8, số ca mắc trung bình trong 7 ngày trên toàn nước Mỹ là hơn 94.819, tăng gấp 5 lần chỉ trong chưa đầy một tháng. Các bang miền Nam, trong đó một số bang có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất tại Mỹ, hiện ghi nhận nhiều nhất số ca mắc và nhập viện.
Các bang Florida, Texas và Louisiana công bố tổng số ca mắc mới cao nhất trong khu vực trong tuần qua. Hai bang Florida và Louisiana cũng có số bệnh nhân nhập viện tăng cao kỷ lục. Trong tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mỹ tăng 33%, với mức trung bình khoảng 377 ca tử vong/ngày.
Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sỹ Anthony Fauci cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể tăng gấp đôi lên 200.000 ca/ngày trong những tuần tới do biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ lây lan mạnh trong khi số người chưa tiêm vaccine vẫn ở mức cao. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 83% trong tổng số ca mắc mới tại nước này.
Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 giữa các bang tại Mỹ không đồng đều. Chẳng hạn, 76% cư dân của bang Vermont được tiêm ít nhất 1 liều vaccine trong khi tỷ lệ này tại bang Mississippi chỉ đạt 40%. Theo đội ứng phó với dịch COVID-19 của Nhà Trắng, những người chưa tiêm vaccine chiếm gần 97% số ca mắc COVID-19 thể nặng.
*Tại Israel, số ca mắc COVID-19 với các biến chứng nghiêm trọng đã tăng lên 241 ca, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2021, trong khi chính phủ nước này cảnh báo có thể phải áp dụng trở lại lệnh giãn cách xã hội.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, thông báo của Bộ Y tế Israel ngày 5/8 cho biết, trong 24 giờ qua đã ghi nhận 3.421 ca mắc mới COVID-19, cũng là một trong những ngày cao kỷ lục trong tuần qua. Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính lại giảm nhẹ từ 3,35% xuống 3,28%; đồng thời hệ số R biểu thị tốc độ lây lan trên mỗi bệnh nhân cũng giảm xuống còn 1,3 thay vì 1,34 trong ngày trước đó. Dưới góc độ chuyên môn, tình trạng lây lan của dịch bệnh chỉ đi xuống khi hệ số R ở mức dưới 1.
Theo số liệu chính thức, bất chấp tỷ lệ tiêm phòng vaccine đạt mức rất cao, đến nay tại Israel đã có trên 887.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.503 ca tử vong. Sau một thời gian ngắn nới lỏng, chính phủ nước này gần đây phải siết chặt lại các biện pháp kiểm soát, như hạn chế người tham gia các sự kiện đông người.
Hôm 4/8, Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz thậm chí cảnh báo có thể sẽ phải áp dụng biện pháp phong tỏa xã hội nếu người dân không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch hoặc không tiếp tục đi tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, ưu tiên hiện nay đối với Chính phủ Israel vẫn là tăng cường kiểm soát dịch và tránh phong tỏa xã hội có thể ảnh hưởng tới sự hồi phục của nền kinh tế.
*Tại Australia, chính quyền bang Victoria thông báo lệnh phong tỏa trong 6 tuần để phòng dịch trong khi bang New South Wales công bố số ca mắc mới cao kỷ lục ngày 5/8.
Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews cho biết bang Victoria bắt đầu lệnh phong tỏa từ 20h (tức 17h giờ Việt Nam) ngày 5/8. Theo đó, hơn 50% trong tổng số 25 triệu dân Australia sẽ lại sống trong cảnh phong tỏa chỉ hơn 1 tuần sau khi lệnh phong tỏa gần đây được dỡ bỏ.
Giới chức y tế cho biết đa số các ca mắc mới tập trung tại thành phố Sydney. Tuy nhiên, một số ca mắc mới xuất hiện tại những khu vực khác của :bang buộc Thủ hiến bang Gladys Berejiklian mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế sang các vùng phụ cận của Sydney.
Cách đây 6 tuần, cư dân thành phố Sydney cũng được yêu cầu ở nhà để phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa đủ hiệu quả để ngăn dịch bệnh lây lan khi số người đi tiêm vaccine phòng COVID-19 ở mức thấp. Gần 20% dân số Australia đã được tiêm đủ liều vaccine, do thiếu nguồn cung trầm trọng và tâm lý e ngại vaccine.
Vũ Hội - Nguyễn Hằng (TTXVN)