Sabeco và những lý giải quanh việc truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt

Thứ Tư, 15/7/2015, 16:0 (GMT+7)

Trước kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đề nghị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tổng Công ty Cổ phần Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ngày 15/7, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm về việc thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco.

Ông Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn Sabeco cho biết, việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đến các công ty cổ phần thương mại khu vực (với hơn 90% vốn điều lệ của Công ty TNHH một thành viên Thương mại Bia Sài Gòn) xảy ra hiện tượng thuế đang chồng lên thuế, làm sai lệch bản chất của luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi lẽ, hàng hóa tiêu thụ từ công ty này đến các công ty cổ phần thương mại khu vực hiện có trên 400 cung tuyến vận tải với chi phí vận tải năm 2013 là trên 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra còn các chi phí cầu đường, phí dịch vụ bảo quản sản phẩm, phí bốc xếp, các phát sinh rủi ro khi vận tải…

Ông Dũng cho rằng, cơ quan kiểm toán áp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đến 10 công ty cổ phần thương mại khu vực vì các công ty này cũng thuộc hệ thống kinh doanh của Bia Sài Gòn do có vốn góp của Công ty 100% vốn tại các công ty cổ phần thương mại khu vực này trên 90% để tính thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa có cơ sở. Vì tất cả các đơn vị nêu trên đều có tư cách pháp nhân độc lập và hạch toán độc lập.


Khởi công xây dựng Nhà máy bia Sài Gòn - Phú Thọ. Ảnh: Trương Văn Quân - TTXVN

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước vừa qua chỉ thực hiện tại công ty mẹ và 4 công ty con gồm Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam, Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây và Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội, nhưng lại đề xuất áp thuế và truy thu đển 7 công ty con; có nghĩa là có 3 công ty không thực hiện kiểm toán nhưng vẫn đề nghị truy thu là chưa đúng quy định.

Giải thích liên quan đến lý lẽ của Kiểm toán Nhà nước cho rằng chính sách có "lỗ hổng", đại diện Sabeco cho biết, "lỗ hổng" này không phải Sabeco tạo ra và do đó cơ quan nhà nước cần phối hợp để xây dựng các văn bản quy phạm để điều chỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường hiện nay việc thành lập công ty con, công ty cháu, thậm chí là công ty chắt là chuyện hoàn toàn bình thường và pháp luật cũng khuyến khích điều này. Việc thành lập các công ty con sẽ giúp cho doanh nghiệp tận dụng được tiềm năng lợi thế của thị trường và giảm rủi ro. Xong, không loại trừ khả năng việc lập các công ty con sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được kẽ hở của chính sách để “lách”. Tuy nhiên, ô ng Cung cũng cho rằng, nếu kết luận doanh nghiệp vi phạm luật thì cần nêu rõ vi phạm vào điều, k hoản nào , chứ không thể chung chung là phạm luật, nếu không vi phạm vào điều nào cả thì có nghĩa là doanh nghiệp đang làm đúng pháp luật.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, doanh nghiệp nói chung và Sabeco nói riêng không thể tự kê khai thuế mà phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế trên cơ sở đó mới thực hiện nghĩa vụ thuế.

“Trước khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán thì Sabeco vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan thuế để nộp thuế, chưa kể thi thoảng lại có các cuộc thanh tra của cơ quan thuế và đều không có kết luận về việc Sabeco thực hiện không đúng quy định. Vậy nếu kết luận của Kiểm toán Nhà nước là đúng thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan như thuế, thanh tra thuế… sẽ như thế nào?” – Ông Cương đặt vấn đề.

Ông Cương cũng cho biết, khi thảo luận luật Kiểm toán sửa đổi, nhiều đại biểu đề cập sau khi kiểm toán mà kết quả kiểm toán không có vấn đề gì nhưng sau đó phát hiện lỗi thì trách nhiệm của cơ quan kiểm toán đến đâu. T rường hợp này cũng tương tự như vậy, nếu kết luận kiểm toán đúng thì trách nhiệm thuế thế nào chưa kể việc thanh tra.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2013 đối với Công ty Sabeco. Theo đó Công ty này phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thuế phải nộp tăng thêm do kiểm toán Nhà nước xác định với số tiền gần 467,5 tỷ đồng gồm thuế Giá trị gia tăng gần 5,4 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 408,8 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp gần 42 tỷ đồng và thu khác trên 11 tỷ đồng.

Tiến Tuấn - TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến